Friday, December 2, 2016

HIỆU ỨNG HÀO QUANG - HALO EFFECT


Hiệu ứng Halo là một loại định kiến nhận thức - Cognitive Bias - trong đó ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ và cảm nhận về tính cách của người đó.
 Ví dụ, ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người là “Anh ấy rất tốt” sẽ tác động đến đánh giá của chúng ta về những điểm đặc biệt của người đó, như “Anh ấy còn rất thông minh”.
Một ví dụ tuyệt vời cho hiệu ứng halo chính là ấn tượng tổng thể của chúng ta về người nổi tiếng. Khi chúng ta nghĩ họ quyến rũ, thành đạt và dễ mến, chúng ta cũng có xu hướng cho rằng họ thông minh, tử tế và hài hước.

ĐỊNH NGHĨA

Hiệu ứng Halo, còn được gọi là nguyên tắc ‘rập khuôn hóa ấn tượng về ngoại hình’ hay ‘Những thứ đẹp thì sẽ tốt’, là xu hướng theo thói quen của con người khi đánh giá những người hấp dẫn về ngoại hình có tính cách lý tưởng hơn những người kém hấp dẫn về ngoại hình. Nói một cách tổng quát, hiệu ứng Halo mô tả tác động của hệ tính cách lý tưởng trong việc đánh giá phiến diện một ai đó trên một phương diện nào đó. Vì vậy, “cảm giác” thường lấn át “nhận thức” mỗi khi chúng ta đánh giá người khác. 

(Trích từ The SAGE Encyclopedia of Social Science Research Methods – Bách khoa toàn thư về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, quyển 1 xuất bản năm 2004)

Một nghiên cứu với 1,915 nhân viên thuộc 2 tập đoàn công nghiệp lớn đã chỉ ra, những người cùng lúc mang nhiều đặc điểm khác nhau như sự thông minh, tác phong công nghiệp, kỹ năng kỹ thuật, độ tin cậy…có sự tương quan rất cao. Sự tương quan này bị ảnh hưởng bởi xu hướng chúng ta nghĩ về người đó là tốt hay xấu, và xu hướng đánh giá phẩm chất của họ bằng thứ “cảm giác” chung chung của chúng ta. Sự sai lầm trong việc xác định các đặc điểm đặc trưng của từng cá nhân bởi hiệu ứng Halo đã xảy ra tương tự đối với những nhà lãnh đạo cấp trên trong quân đội khi đánh giá những sĩ quan của mình. 

(Trích từ cuốn sách “A Constant Error in Psychological Ratings,” – Những lỗi sai nhất quán trong đánh giá tâm lý, xuất bản năm 1920)

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Nhà tâm lý học Edward Thorndike lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ này vào năm 1920 trên một bài báo có nhan đề “The Constant Error in Psychological Ratings” - “Những lỗi sai lặp đi lặp lại trong phân tích tâm lý”. Trong thí nghiệm được mô tả ở bài báo, Thorndike đã yêu cầu những sĩ quan chỉ huy trong quân đội đánh giá một loạt các phẩm chất của những quân nhân, người lính dưới của họ.
Các đặc điểm đánh giá bao gồm: khả năng lãnh đạo, ngoại hình, sự thông minh, sự trung thành và độ đáng tin cậy.

Mục tiêu của Thorndike là xác định làm thế nào việc đánh giá một phẩm chất lại dẫn đến sự đánh giá về các đặc điểm khác. Ông đã phát hiện ra rằng, tỉ lệ những người được đánh giá cao ở một phẩm chất có sự tương quan với tỉ lệ những người đó được đánh giá cao ở các đặc điểm khác. Và ngược lại, tỉ lệ những người bị đánh giá tiêu cực ở một phẩm chất có sự tương quan với tỉ lệ họ bị đánh giá thấp hơn ở các đặc điểm khác.

“Có một sự tương quan rất cao và đồng bộ ở đây,” Thorndike nhận xét. “Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra sự tương quan trung bình giữa dáng người và trí thông minh là 0.31, giữa vóc dáng với khả năng lãnh đạo là 0.39, giữa dáng vóc với tính cách là 0.28.”

Vậy tại sao ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người lại bị hiệu ứng Halo ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về những đặc điểm đặc trưng của người đó? 

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sức hấp dẫn là yếu tố chính quyết định tất cả.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cùng chỉ ra khi chúng ta cho rằng họ ưa nhìn, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng họ có nhiều điểm tốt, và họ thông minh hơn.

Có một nghiên cứu thậm chí còn phát hiện bồi thẩm đoàn dường như không mấy tin những người có ngoại hình hấp dẫn là những người có tội.

Tuy nhiên, sự rập khuôn về sức hấp dẫn này là một con dao hai lưỡi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, ngoài những lỗi sai như đã phân tích ở trên, những người hấp dẫn ưa nhìn còn được tin là có nhiều khả năng không trung thực và lợi dụng vẻ quyến rũ của họ để thao túng người khác hơn.

QUAN SÁT

Trong lớp học, giáo viên cũng có xu hướng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Halo khi đánh giá học sinh. Ví dụ, giáo viên thường chủ quan cho rằng những học sinh lễ phép là những học sinh thông minh chăm chỉ trước khi họ đánh giá khách quan trình độ của những học sinh đó. Khi loại hiệu ứng Halo này xảy ra, chúng có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ được chấp thuận của học sinh đó trong một số trường hợp nhất định, thậm chí ảnh hưởng đến điểm số của chúng. 

(Trích từ sách Encyclopedia of Educational Psychology – Bách khoa toàn thư về tâm lý học giáo dục, quyển 1 của Rasmussen xuất bản năm 2008)

Trong môi trường làm việc, hiệu ứng Halo thường xuyên xuất hiện trong đánh giá khen ngợi của cấp trên về thành tích công việc của cấp dưới. Trên thực tế, hiệu ứng halo là thành kiến phổ biến nhất trong đánh giá năng lực nhân viên. Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi sếp đánh giá năng lực của cấp dưới. Sếp sẽ chú ý đến những nhân viên có tính cách đặc biệt, ví dụ như nhiệt tình và trang trí cho bài đánh giá về họ thật đẹp mắt bằng cách lí giải vì sao lại coi trọng họ đến vậy. Ngay cả khi nhân viên đó có thể còn nhiều thiếu sót trong kiến thức và kỹ năng công việc, chỉ cần nhân viên có thái độ nhiệt tình, cấp trên vẫn sẽ đánh giá họ cao hơn so với khi chỉ đánh giá về kiến thức kỹ năng.
(Trích từ cuốn Applied Social Psychology -Ứng dụng tâm lý học xã hội của Schneider, F.W., Gruman, J. A., & Coutts, L. M. xuất bản 2012) 

ẢNH HƯỞNG TRONG THỰC TẾ

Như đã tìm hiểu ở trên, hiệu ứng halo có thể ảnh hưởng đến cái nhìn của giáo viên về một học sinh, nhưng nó cũng có tác động đến cảm nhận của học sinh về giáo viên. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra khi một giáo viên được coi là ấm ấp và thân thiện, học sinh sẽ cho rằng giáo viên đó dạy lôi cuốn hơn và dễ mến hơn.

Những người làm trong ngành Marketing (Marketers) có thể lợi dụng hiệu ứng halo để bán sản phẩm và dịch vụ. Khi một nhân vật nổi tiếng trở thành người phát ngôn đại diện cho một thương hiệu, những đánh giá tốt đẹp của chúng ta về người đó sẽ lan tỏa đến nhận thức của chúng ta về sản phẩm đó.

Các ứng viên tìm việc cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng halo. Nếu nhà tuyển dung cảm thấy ứng viên hấp dẫn và dễ mến, họ sẽ có xu hướng cho rằng những ứng viên đó cũng thông minh, đủ trình độ và đủ điều kiện để được chọn.

Vì vậy, lần tới khi bạn muốn đánh giá một người khác, dù là cho quyết định nên bầu ứng viên nào hay quyết định nên xem phim gì vào tối thứ Sáu, hãy để ý đến ấn tượng tổng thể của bạn về người đó/ điều đó, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đánh giá của bạn về các đặc điểm khác của họ.
Có phải ấn tượng của bạn về một diễn giả xuất sắc đó là họ rất thông minh, thiện tâm và nỗ lực hay không? Có phải bạn đều cho rằng những diễn viên đẹp trai đều sẽ diễn hay hay không?
Dù nhận thức thấy được hiệu ứng halo, nhưng chúng ta rất khó tránh được ảnh hưởng của hiệu ứng này đến nhận thức và quyết định của bản thân.