Tuesday, February 7, 2017

A.Q VẪN ĐANG TỒN TẠI VÀ SỐNG [ĐÔI KHI TRONG CHÚNG TA]

Thi hào Trung Hoa Lỗ Tấn – Lu Xun –  魯迅
A.Q, một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học và không có nghề nghiệp ổn định. A.Q nổi tiếng vì phương pháp thắng lợi tinh thần. Thí dụ như mỗi khi anh bị đánh thì anh lại cứ nghĩ: "Chúng đang đánh cha của chúng!" A.Q có nhiều tình huống lý luận đến "điên khùng". A.Q hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình nhưng lại sợ hãi trước những kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực hoặc sức mạnh. Anh ta tự thuyết phục bản thân rằng mình có tinh thần cao cả so với những kẻ áp bức mình ngay trong khi anh ta phải chịu đựng sự bạo ngược và áp bức của chúng. Lỗ Tấn đã cho thấy những sai lầm cực đoan của A.Q, đó cũng là biểu hiện của tính cách dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ. Kết thúc tác phẩm, hình ảnh A.Q bị đưa ra pháp trường vì một tội nhỏ thật sâu sắc và châm biếm.
A.Q, nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng của đại văn hào Lỗ Tấn vẫn còn "sống" tới tận bây giờ, xuyên qua thời gian dằng dặc và không gian mênh mông của thế giới loài người. Gã "sống" khi lẩn khuất, khi hiện diện trong mỗi chúng ta.
Nói tới A.Q là nói tới "phép thắng lợi tinh thần" –  vũ khí lợi hại chống kẻ thù và liều thuốc kỳ diệu để xoa dịu những vết thương thể xác, tâm hồn. Cũng phải điểm lại vài nét về nhân thân và tính cách A.Q để chúng ta hiểu rõ hơn về nhân vật đặc biệt này.
A.Q là đứa con hoang nên ngay cả một cái tên đàng hoàng cũng không có, dù là cái tên xấu xí. Đã thế, hình dáng gã lại chẳng lấy gì làm đẹp. Người thì ốm nhom, cái đuôi sam cũn cỡn vàng hoe. Trên đỉnh đầu là một đám thẹo lớn bóng lưỡng khiến cho đám trẻ hỗn hào trong làng cứ nhè vào đấy mà trêu chọc y ta. Là dân hạng bét nên A.Q bị ức hiếp đủ điều. Ai chửi y ta cũng được. Ai đánh y ta cũng được. Từ cụ cố họ Triệu cho tới thằng cu Don mà nguồn gốc cũng chẳng "sang" hơn hắn là bao.
Thân thích chẳng có, nhà cửa cũng không, A.Q kiếm cơm rượu hằng ngày bằng nghề làm thuê làm mướn. Dân làng Mùi, ai cần mướn việc gì, A.Q làm hết! Từ gặt lúa, giã gạo, khiêng vác, bửa củi… gã chẳng nề hà. Được chủ trả công, hắn ăn uống no say rồi nằm gác chân chữ ngũ, vỗ bụng ư ử hát, hát chán thì lăn ra ngủ. Cuộc đời gã quanh đi quẩn lại chỉ có thế.
Nhưng giống như nhiều người khác, A.Q là một khối mâu thuẫn lớn. Xuất thân hèn hạ, nhưng hắn lại rất tự cao tự đại. Ở láng Mùi có cụ cố họ Triệu và cụ cố họ Tiền là giàu sang nhất, ấy vậy mà gã coi chẳng ra gì. Con trai của hai cụ đậu bằng tú tài, sau lưng họ, A.Q khinh miệt gọi là lũ “[phương] Tây giả” và bĩu môi khinh bỉ: “Con tớ ngày sau lại làm được bằng năm bằng mười đám ấy à!” Thỉnh thoảng, A.Q lên thành phố, về làng kể chuyện cho mọi người nghe rặt bằng giọng chê bai rằng thì là người trên thành phố nói cái gì cũng sai, gọi cái gì cũng sai, cũng buồn cười. Nhưng dân làng Mùi lại còn dốt hơn thế, ngô nghê hơn thế lại chẳng đáng cười hay sao?!
Sức khỏe chẳng bằng ai nên A.Q thường bị đám con trai trong làng trêu chọc, đánh chửi. Mất dạy nhất là thằng cu Don. Nó cứ túm lấy cái đuôi sam rồi đè đầu A.Q vào tường bịch bịch năm bảy cái, rồi lại bắt A.Q phải nhận là con vật. A.Q tự nhận mình “là con sâu” để nó tha nhưng sau đó lại đứng ngẩn ra mà nghĩ: “Nó đánh mình thì có khác gì đánh cha nó! Thật thời buổi này hết chỗ nói! Con dám đánh cha!” Rồi đắc thắng hớn hở ra về. Gã nhận thấy mình là người “giỏi nhịn nhục bậc nhất” và ngoài việc ấy ra thì việc gì gã cũng vào ”bậc nhất” – có nghĩa là gã hơn hẳn nên có quyền khinh bỉ mọi người.
Đầu óc đã ngu si tăm tối mà lại luôn cao ngạo, tự tin, tự hào nên A.Q luôn gặp bất hạnh. Nhìn thấy thằng “Tây giả”, gã ngứa miệng chửi lén một câu, ai dè nó nghe được liền "phang cho một trận ba toong lên đầu". A.Q liều lĩnh sờ má ni cô chùa Tĩnh Tu vói suy nghĩ "sư cụ sờ được thì ta cũng sờ được" cũng bị chửi. Hôm làm thuê cho nhà cụ cố họ Triệu, thì sau khi ngỏ lời yêu "Chúng ta cùng nhau nào!" với vú Ngò, A.Q liền bị ăn trận đòn nên thân, bị phạt vạ mất hết cả tiền công, bị lột cả cái áo rách đang mặc.
Chán đời, A.Q bỏ lên thành phố nhập băng ăn trộm một dạo, được ít tiền lại bị mấy thằng lừa bịp dụ dỗ đánh bạc rồi cũng trắng tay. Muốn đi làm “cách mạng” thì bị xua đuổi, chẳng ai cho theo.
Cuối cùng, A.Q bị bắt oan và lỡ miệng tự thú với cảnh sát là có ý định "đi đầu hàng cách mạng”. Lúc bị bắt ký vào biên bản, vì không biết chữ nên A.Q đành vẽ một vòng tròn thay cho chữ ký. Khổ nỗi vẽ mãi mà chẳng tròn. Gã tự an ủi: “Con cháu tớ sau này ắt sẽ vẽ tròn hơn.” Lúc bị dẫn đi bêu phố, gã muốn hét lên một câu thật khí phách: “Hai mươi năm sau sẽ có…” (Chắc là sẽ có một tay hảo hán!) Gã chỉ tỉnh ngộ khi bị trói vào cọc bắn và lúc này thì gã kinh hoàng thật sự, chỉ kịp kêu lên:
- Cứu tôi với! Úi trời ơi!
Nhắc sơ qua về tính cách A.Q như thế để chúng ta ngẫm thử xem trong tính cách của mình có tí “A.Q” nào không nhé! Nhất là “phép thắng lợi tinh thần” – thứ thuốc an thần kỳ diệu nhất của kẻ yếu thế!