Friday, April 8, 2016

HẠNH PHÚC VÀ NIỀM VUI

WHAT IS HAPPINESS? HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

HẠNH PHÚC VÀ NIỀM VUI

Sự khác nhau giữa niềm vui và hạnh phúc đôi khi khó phân biệt và vi tế. Hạnh phúc tỏa sáng bộc phát dưới dạng niềm vui. Một niềm hân hoan an lạc nội tâm không nhất thiết được biểu lộ một cách phô trương mà thông qua một thoáng cảm nhận đầy ý nghĩa về giá trị của giây phút hiện tại. Những điều ngạc nhiên, những niềm vui mạnh mẽ và bất ngờ cũng làm hạnh phúc tăng lên như những bông hoa nở rộ làm tăng vẻ đẹp của mùa xuân vậy.

Tuy nhiên, không phải bất cứ niềm vui nào cũng từ hạnh phúc mà ra. Như Christopher André đã nhấn mạnh trong cuốn sách rất có tính thuyết phục của ông về tâm lý con người khi hạnh phúc: “Có những thú vui không lành mạnh, khác xa trạng thái an lạc của hạnh phúc, ví dụ như thích thú trả thù […] Cũng có những trạng thái hạnh phúc bình lặng, đôi khi rất khác với sự phấn khích của vui sướng […] Người ta nhảy lên vì vui mừng chứ không nhảy lên vì hạnh phúc.”

Khó mà thống nhất với nhau về định nghĩa hạnh phúc nhưng chúng ta đã chỉ rõ điều gì là hạnh phúc chân thật. “Niềm vui” là một từ rất mơ hồ bởi vì như nhà tâm lý học Paul Ekman đã miêu tả, nó gắn với những xúc cảm đa dạng như những khoái cảm thuộc về giác quan, sự thích thú (từ mỉm cười tới cười ra nước mắt), trạng thái hài lòng, vừa ý (thỏa mãn một cách âm ỉ), hưng phấn (trước điểu mới lạ hoặc trước một thách thức), xả hơi (sau khi đã bị sợ hãi, lo lắng hay thậm chí cả thích thú nữa), ngây ngất (trước điều ta ngỡ ngàng và thán phục, hoặc vượt quá lý trí của chúng ta), say sưa (làm tâm hồn ta bay bổng), hớn hở (khi hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn, giành được một chiến công), tự hào rạng rỡ (khi con cái ta nhận một phần thưởng xuất sắc), biết ơn (đánh giá quý trọng một hành động vị tha được dành cho mình) và sự khoái chí tàn bạo (khi sung sướng trên sự đau khổ của người khác bằng cách trả thù chẳng hạn); có thể liệt kê thêm các trạng thái khác như hân hoan, đắm say…

Mỗi loại cảm xúc được kể trong danh sách trên đều chứa đựng niềm vui, đa phần thể hiện bằng nụ cười, bằng vẻ mặt và giọng nói đặc biệt. Nhưng để một bộ phận gắn liền hoặc góp phần vào hạnh phúc, cảm xúc phải được giải phóng khỏi mọi tình cảm tiêu cực. Chỉ cần giận dữ hoặc ghen tuông nổi lên cũng đủ để niềm vui tắt ngấm. Chỉ cần hơi có thái độ bám chấp, ích kỷ hoặc kiêu mạn là niềm vui dần tắt lịm đi.

Để niềm vui có thể kéo dài và chín muồi mộy cách êm ả, để cho nó trở thành “một trạng thái rạng ngời, sung mãn” cần phải thêm vào đó những tố chất cấu thành một niềm hạnh phúc chân thật như trí tuệ, thiện tâm, giảm thiểu dần những cảm xúc tiêu cực vá chấm dứt những thói đỏng đảnh của “cái tôi” – “ego” – “self”.

No comments:

Post a Comment