Saturday, June 11, 2016

ĐỐI PHÓ VỚI RỐI LOẠN TÂM THẦN

Nguồn: Thomas Insel, “Facing Down Mental Illness”, Project Syndicate, 28.1.2015.

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng.

Trái với quan niệm thông thường, rối loạn tâm thần không phải là vấn đề mới hay độc nhất ở các quốc gia văn minh, phát triển. Có thể nhận ra những gì mà chúng ta gọi là tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực trong nền văn học từ thời Hy Lạp cổ đại, và trong cuốn The Anatomy of Melancholy  Giải Phẫu Nỗi U Sầucủa nhà bác học Vương Quốc Anh Robert Burton, xuất bản năm 1621, cuốn sách đến nay vẫn là một trong những mô tả sắc sảo nhất về căn bệnh trầm cảm. Ngày nay, hầu hết bệnh nhân và 75% số người tự tử là kết quả của rối loạn tâm thần sinh sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Điều mới và đáng khích lệ chính là sự quan tâm sát sao hơn dành cho vấn đề này hiện nay. Năm ngoái ở Davos, tôi [Thomas Insel] đã giúp khởi động một Hội đồng nghị sự toàn cầu về Sức khỏe tâm thần, sau một nghiên cứu của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới và Trường T.H. Chan School of Public Health thuộc Đại học Harvard dự đoán rằng cái giá kinh tế toàn cầu của rối loạn tâm thần trong hai thập niên tới có thể vượt quá cái giá của ung thư, tiểu đường, và các bệnh về đường hô hấp cộng lại. Với rủi ro cao như vậy, các nhà lãnh đạo rõ ràng là có lý do nhân văn và kinh tế để xem xét nghiêm túc về vấn đề sức khỏe tâm thần.

Các nhà hoạch định chính sách nên hiểu rằng rối loạn tâm thần là một chứng rối loạn não bộ. Có quá nhiều người đã xem nhẹ rối loạn tâm thần như những vấn đề về tính cách hay thiếu ý chí, thay vì công nhận rối loạn tâm thân là một chứng rối loạn y tế nghiêm trọng và thường gây tử vong. Chúng ta không nên đổ lỗi cho một người có bộ não hoạt động rối loạn hơn một người có tuyến tụy, gan, hay tim hoạt động rối loạn. Những người mắc rối loạn tâm thần xứng đáng được hưởng sự chăm sóc y tế với mức độ và phẩm chất tương tự như những gì chúng ta mong đợi khi phải đối mặt với sự rối loạn của bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể.

Hãy xem xét trầm cảm, căn bệnh tâm thần phổ biến nhất. Cần phải phân biệt trầm cảm với những nỗi buồn chán và thất vọng mà tất cả chúng ta đều trải qua trong cuộc đời. Darkness Visible, cuốn hồi ký xuất bản năm 1989 của nhà văn William Styron, đã mô tả một cách đúng đắn rằng “trầm cảm” là một từ chưa diễn tả hết được tình trạng suy nhược đặc trưng bởi sự tuyệt vọng, bất lực, và sợ hãi.

Ở những hình thái cực đoan, trầm cảm có thể vô hiệu hóa người ta đến nỗi chỉ suy nghĩ về việc thức dậy khỏi giường hay gọi một cuộc điện thoại thôi cũng đã là quá sức. Hoạt động hiệu quả tại nơi làm việc cũng có thể là thách thức đáng kể, được phản ánh qua một tình trạng đang ngày càng được công nhận rộng rãi là “presenteeism”, biến thể của “absenteeism”: những nhân viên mắc trầm cảm có mặt ở nơi làm việc nhưng tinh thần của họ thì vắng mặt.

Rối loạn tâm thần có thể dẫn tới những vấn đề sức khỏe khác. Trầm cảm và tâm thần phân liệt làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính như tim mạch và hô hấp. Bệnh nhân tâm thần và lạm dụng các chất gây nghiện có nguy cơ cao trong việc mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS.
Hơn nữa, rối loạn tâm thần có tác động sâu sắc tới hậu quả của những căn bệnh khác. Chẳng hạn như sau một cơn đau tim, tiên lượng phụ thuộc nhiều vào việc bệnh nhân có xuất hiện trầm cảm hay không hơn là gần như bất cứ phép đo chức năng tim nào. Đó là lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách y tế nên nắm rõ một câu ngạn ngữ đơn giản: “Không có sức khỏe tâm thần thì không có sức khỏe.”

Quả thật, rối loạn tâm thần cũng có thể gây tử vong như các rối loạn thể lý. Tự sát khiến nhiều người chết hơn giết người. Khoảng 7% bệnh nhân trầm cảm sẽ tự tử. Có hơn 800,000 người tự tử trên thế giới mỗi năm. Số người phải chịu đau khổ trước cái chết của người thân của họ còn lớn hơn nhiều; mỗi ca tự tử lại kéo theo nhiều nạn nhân.

Việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có những cách tiếp cận sáng tạo. Nó phức tạp đến nỗi nhiều khi điều trị là không khả thi. Những người mắc rối loạn tâm thần có thể phủ nhận việc họ bị bệnh, và những bệnh nhân trầm cảm có thể tự dằn vặt mình rằng họ không xứng đáng nhận được sự giúp đỡ. Người ta ước tính rằng ngay cả ở các quốc gia phát triển cũng chỉ có khoảng một nửa số người mắc bệnh trầm cảm được chẩn đoán và điều trị. Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, khoảng 76 đến 85% số người mắc rối loạn tâm thần nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển không được điều trị. Chúng ta cần những phương pháp nhạy cảm để xác định những người có nguy cơ và giúp đỡ những người trầm trọng nhất.

Không phải bệnh nhân rối loạn tâm thần nào cũng cần các loại thuốc đắt tiền, chăm sóc y tế ở bệnh viện, hay tiếp cận với các bác sĩ tâm thần có chuyên môn cao. Chúng ta có thể không có những biện pháp tương đương như vacine cho bệnh sởi hay màn chống muỗi cho bệnh sốt rét, nhưng các biện pháp can thiệp có hiệu quả cao với chi phí thấp là khả dĩ đối với hầu hết những người có nguy cơ hay đang bị rối loạn tâm thần. Trong những môi trường có nguồn lực thấp, người dân địa phương hoặc các thành viên trong gia đình có thể được đào tạo để cung cấp các liệu pháp đơn giản nhưng hiệu quả để điều trị trầm cảm hay lo âu ở mức độ trung bình. Các biện pháp điều trị qua điện thoại hay qua mạng cũng có thể được sử dụng.

Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng các biện pháp điều trị rối loạn tâm thần chưa phải là hoàn hảo. Trong số những người được giúp đỡ, chỉ một nửa được điều trị đúng cách, và chỉ một nửa trong số những người được điều trị đúng cách có tiến triển. Cách duy nhất để cải thiện tỉ lệ này là nâng cao hiểu biết của chúng ta về chức năng bình thường và bất bình thường của não bộ. Chúng ta cần nghiên cứu để phát triển các phương pháp điều trị tốt hơn cho các chứng rối loạn não bộ nói chung, và rối loạn tâm thần nói riêng.

May mắn là một số sáng kiến quan trọng được đưa ra vào năm ngoái đang đưa chúng ta đi đúng hướng. Trong tháng 4.2014, Viện Y tế Quốc gia Hiệp Chúng QuốC/ U.S đã giới thiệu sáng kiến BRAIN, tham gia cùng các nỗ lực tương tự ở Liên minh châu Âu, Israel, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia và Canada. Chúng ta cũng nhận được sự hỗ trợ chưa từng có từ các nhà hảo tâm. Chẳng hạn, mới đây Trung tâm nghiên cứu tâm thần Stanley (thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard) ở Hiệp Chúng Quốc đã nhận được 650 triệu USD tiền ủng hộ. Ở Vương quốc Anh, một tổ chức từ thiện mới có tên MQ cũng đang tài trợ cho việc nghiên cứu về các biện pháp điều trị tâm lý.

Những đột phá trong nghiên cứu y sinh đã mở ra hy vọng tìm ra các phương pháp điều trị cho chứng rối loạn não bộ. Bằng cách mở rộng tiếp cận những phương pháp điều trị hiện có và đầu tư nghiên cứu để phát triển các phương pháp điều trị mới, chúng ta có thể hướng đến việc loại bỏ một trong những nguyên nhân lâu đời nhất và phổ biến nhất của sự khổ đau của con người. 

https://hoanghannom.com/2015/06/06/mental-illness/

Thomas Insel là Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần Hiệp Chúng Quốc/ U.S.

Thursday, June 9, 2016

ROSSIYA – NGA LA TƯ – NGA

Có quốc gia nào trên thế giới tên là Nga không?
Tác giả: học giả An Chi. 
 
Đã đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 607 (20-6-2007).
Nhiều tác giả đã giải thích một cách rất tự tin rằng cả ba âm tiết Nga La Tư đều là những từ dùng để phiên âm chữ Russia. Các vị đó chẳng cần quan tâm xem nếu quả đúng như thế thì tiếng (âm tiết) Nga tương ứng với âm hoặc âm tiết nào của Russia. Đó là còn chưa kể rằng khi ba tiếng Nga La Tư ra đời trong chữ Hán để chỉ quốc gia mà ban đầu người Anh Quốc gọi là Russ, rồi về sau là Russia thì người Trung Quốc/ Trung Hoa thậm chí còn chưa tiếp xúc với Anh ngữ. Quả đúng như thế thật vì danh xưng La Tư xuất hiện trong thư tịch của Trung Hoa vào cuối đời Nhà Nguyên (1206 – 1368) đầu đời Nhà Minh (1368 – 1644), nghĩa là vào khoảng giữa thế kỷ XIV; lúc đó người Trung Quốc làm gì đã biết đến tiếng Anh. Lúc bấy giờ, người Trung Hoa gọi Russia Nga là La Tư 羅斯 hoặc La Sát . Âm Bắc Kinh của La Tư 羅斯 là luósì, còn của La Sát 羅刹 là luóshà, phản ánh gần đúng danh xưng Rossiya của bản ngữ mà người Trung Quốc biết được qua sự tiếp xúc với các bộ tộc sống ở phía Tây của đất nước mình.
Nhưng đến đời Thanh thì bắt đầu có thay đổi. Triều đại này lại thích phiên âm tên của Rossiya từ ngôn ngữ Mongolia, mà một số từ, ngữ cũng đã được biết đến từ đời Nhà Nguyên. Một đặc điểm của ngôn ngữ Mongolia là nó không có từ nào bắt đầu bằng l- hoặc r-; nói một cách khác, hai phụ âm [l] và [r] không thể đứng đầu âm tiết đầu tiên của từ trong ngôn ngữ Mongolia này. Vì vậy nên người Mongolia không thể chấp nhận cách phát âm Rossiya (có r- khởi đầu). Họ đã xử lý bằng cách lặp lại nguyên âm chính của ros- ( là [o]) làm âm tiết đầu tiên cho hình thức phiên âm. Do đó mà Rossiya đã trở thành Orossiya trong ngôn ngữ Mongolia.
Ban đầu, Orossiya được phiên âm sang chữ Hán Trung Quốc thành Oát La Tư 斡羅斯 (âm Bắc Kinh là wòluósì) hoặc Ngạc La Tư 鄂羅斯 (âm Bắc Kinh là èluósì). Về sau, khi biên soạn Đại Thanh Nhất Thống Chí, người ta lại phiên Orossiya thành Nga La Tư 俄羅斯 (âm Bắc Kinh là éluósì); rồi cũng có phần là do cái danh và cái uy của bộ sử này mà hình thức Nga La Tư đã trở nên thông dụng cho đến tận ngày nay mà được nói tắt thành Nga.
Chữ nga không chỉ dùng để phiên âm âm tiết o trong Orossiya mà còn dùng để phiên âm tiết đó trong nhiều địa danh, nhân danh khác, như:
Obadiah thành Nga Ba Để Á.
Ohio thành Nga Hợi Nga.
Oklahoma thành Nga Khắc Lạp Hà Mã.
Ophir thành Nga Phỉ.
Oregon thành Nga Lặc Cương.
Ostrava thành Nga Tư Đặc Lạp Phát.
v.v..
Vậy Nga (La Tư) chẳng có liên quan gì đến từ Russia trong Anh ngữ.
NÓI TÓM LẠI, CÓ QUỐC GIA NÀO TÊN LÀ NGA KHÔNG?