Friday, December 2, 2016

HIỆU ỨNG HÀO QUANG - HALO EFFECT


Hiệu ứng Halo là một loại định kiến nhận thức - Cognitive Bias - trong đó ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ và cảm nhận về tính cách của người đó.
 Ví dụ, ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người là “Anh ấy rất tốt” sẽ tác động đến đánh giá của chúng ta về những điểm đặc biệt của người đó, như “Anh ấy còn rất thông minh”.
Một ví dụ tuyệt vời cho hiệu ứng halo chính là ấn tượng tổng thể của chúng ta về người nổi tiếng. Khi chúng ta nghĩ họ quyến rũ, thành đạt và dễ mến, chúng ta cũng có xu hướng cho rằng họ thông minh, tử tế và hài hước.

ĐỊNH NGHĨA

Hiệu ứng Halo, còn được gọi là nguyên tắc ‘rập khuôn hóa ấn tượng về ngoại hình’ hay ‘Những thứ đẹp thì sẽ tốt’, là xu hướng theo thói quen của con người khi đánh giá những người hấp dẫn về ngoại hình có tính cách lý tưởng hơn những người kém hấp dẫn về ngoại hình. Nói một cách tổng quát, hiệu ứng Halo mô tả tác động của hệ tính cách lý tưởng trong việc đánh giá phiến diện một ai đó trên một phương diện nào đó. Vì vậy, “cảm giác” thường lấn át “nhận thức” mỗi khi chúng ta đánh giá người khác. 

(Trích từ The SAGE Encyclopedia of Social Science Research Methods – Bách khoa toàn thư về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, quyển 1 xuất bản năm 2004)

Một nghiên cứu với 1,915 nhân viên thuộc 2 tập đoàn công nghiệp lớn đã chỉ ra, những người cùng lúc mang nhiều đặc điểm khác nhau như sự thông minh, tác phong công nghiệp, kỹ năng kỹ thuật, độ tin cậy…có sự tương quan rất cao. Sự tương quan này bị ảnh hưởng bởi xu hướng chúng ta nghĩ về người đó là tốt hay xấu, và xu hướng đánh giá phẩm chất của họ bằng thứ “cảm giác” chung chung của chúng ta. Sự sai lầm trong việc xác định các đặc điểm đặc trưng của từng cá nhân bởi hiệu ứng Halo đã xảy ra tương tự đối với những nhà lãnh đạo cấp trên trong quân đội khi đánh giá những sĩ quan của mình. 

(Trích từ cuốn sách “A Constant Error in Psychological Ratings,” – Những lỗi sai nhất quán trong đánh giá tâm lý, xuất bản năm 1920)

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Nhà tâm lý học Edward Thorndike lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ này vào năm 1920 trên một bài báo có nhan đề “The Constant Error in Psychological Ratings” - “Những lỗi sai lặp đi lặp lại trong phân tích tâm lý”. Trong thí nghiệm được mô tả ở bài báo, Thorndike đã yêu cầu những sĩ quan chỉ huy trong quân đội đánh giá một loạt các phẩm chất của những quân nhân, người lính dưới của họ.
Các đặc điểm đánh giá bao gồm: khả năng lãnh đạo, ngoại hình, sự thông minh, sự trung thành và độ đáng tin cậy.

Mục tiêu của Thorndike là xác định làm thế nào việc đánh giá một phẩm chất lại dẫn đến sự đánh giá về các đặc điểm khác. Ông đã phát hiện ra rằng, tỉ lệ những người được đánh giá cao ở một phẩm chất có sự tương quan với tỉ lệ những người đó được đánh giá cao ở các đặc điểm khác. Và ngược lại, tỉ lệ những người bị đánh giá tiêu cực ở một phẩm chất có sự tương quan với tỉ lệ họ bị đánh giá thấp hơn ở các đặc điểm khác.

“Có một sự tương quan rất cao và đồng bộ ở đây,” Thorndike nhận xét. “Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra sự tương quan trung bình giữa dáng người và trí thông minh là 0.31, giữa vóc dáng với khả năng lãnh đạo là 0.39, giữa dáng vóc với tính cách là 0.28.”

Vậy tại sao ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người lại bị hiệu ứng Halo ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về những đặc điểm đặc trưng của người đó? 

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sức hấp dẫn là yếu tố chính quyết định tất cả.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cùng chỉ ra khi chúng ta cho rằng họ ưa nhìn, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng họ có nhiều điểm tốt, và họ thông minh hơn.

Có một nghiên cứu thậm chí còn phát hiện bồi thẩm đoàn dường như không mấy tin những người có ngoại hình hấp dẫn là những người có tội.

Tuy nhiên, sự rập khuôn về sức hấp dẫn này là một con dao hai lưỡi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, ngoài những lỗi sai như đã phân tích ở trên, những người hấp dẫn ưa nhìn còn được tin là có nhiều khả năng không trung thực và lợi dụng vẻ quyến rũ của họ để thao túng người khác hơn.

QUAN SÁT

Trong lớp học, giáo viên cũng có xu hướng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Halo khi đánh giá học sinh. Ví dụ, giáo viên thường chủ quan cho rằng những học sinh lễ phép là những học sinh thông minh chăm chỉ trước khi họ đánh giá khách quan trình độ của những học sinh đó. Khi loại hiệu ứng Halo này xảy ra, chúng có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ được chấp thuận của học sinh đó trong một số trường hợp nhất định, thậm chí ảnh hưởng đến điểm số của chúng. 

(Trích từ sách Encyclopedia of Educational Psychology – Bách khoa toàn thư về tâm lý học giáo dục, quyển 1 của Rasmussen xuất bản năm 2008)

Trong môi trường làm việc, hiệu ứng Halo thường xuyên xuất hiện trong đánh giá khen ngợi của cấp trên về thành tích công việc của cấp dưới. Trên thực tế, hiệu ứng halo là thành kiến phổ biến nhất trong đánh giá năng lực nhân viên. Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi sếp đánh giá năng lực của cấp dưới. Sếp sẽ chú ý đến những nhân viên có tính cách đặc biệt, ví dụ như nhiệt tình và trang trí cho bài đánh giá về họ thật đẹp mắt bằng cách lí giải vì sao lại coi trọng họ đến vậy. Ngay cả khi nhân viên đó có thể còn nhiều thiếu sót trong kiến thức và kỹ năng công việc, chỉ cần nhân viên có thái độ nhiệt tình, cấp trên vẫn sẽ đánh giá họ cao hơn so với khi chỉ đánh giá về kiến thức kỹ năng.
(Trích từ cuốn Applied Social Psychology -Ứng dụng tâm lý học xã hội của Schneider, F.W., Gruman, J. A., & Coutts, L. M. xuất bản 2012) 

ẢNH HƯỞNG TRONG THỰC TẾ

Như đã tìm hiểu ở trên, hiệu ứng halo có thể ảnh hưởng đến cái nhìn của giáo viên về một học sinh, nhưng nó cũng có tác động đến cảm nhận của học sinh về giáo viên. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra khi một giáo viên được coi là ấm ấp và thân thiện, học sinh sẽ cho rằng giáo viên đó dạy lôi cuốn hơn và dễ mến hơn.

Những người làm trong ngành Marketing (Marketers) có thể lợi dụng hiệu ứng halo để bán sản phẩm và dịch vụ. Khi một nhân vật nổi tiếng trở thành người phát ngôn đại diện cho một thương hiệu, những đánh giá tốt đẹp của chúng ta về người đó sẽ lan tỏa đến nhận thức của chúng ta về sản phẩm đó.

Các ứng viên tìm việc cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng halo. Nếu nhà tuyển dung cảm thấy ứng viên hấp dẫn và dễ mến, họ sẽ có xu hướng cho rằng những ứng viên đó cũng thông minh, đủ trình độ và đủ điều kiện để được chọn.

Vì vậy, lần tới khi bạn muốn đánh giá một người khác, dù là cho quyết định nên bầu ứng viên nào hay quyết định nên xem phim gì vào tối thứ Sáu, hãy để ý đến ấn tượng tổng thể của bạn về người đó/ điều đó, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đánh giá của bạn về các đặc điểm khác của họ.
Có phải ấn tượng của bạn về một diễn giả xuất sắc đó là họ rất thông minh, thiện tâm và nỗ lực hay không? Có phải bạn đều cho rằng những diễn viên đẹp trai đều sẽ diễn hay hay không?
Dù nhận thức thấy được hiệu ứng halo, nhưng chúng ta rất khó tránh được ảnh hưởng của hiệu ứng này đến nhận thức và quyết định của bản thân.

Saturday, November 26, 2016

DÂN TỘC ISRAEL – YEWS, JUDAISM VÀ HỒI GIÁO


NGƯỜI ISRAEL TRÊN VÙNG ĐẤT CANAAN


Người Israel có nguồn gốc từ người Hebrew cổ đại xuất hiện tại Trung Đông vào 4,000 năm trước. Theo truyền thuyết, người Israel và người Arab là con cháu dòng dõi từ Abram, tên lúc sinh của Abraham, là người đã tuân theo lời gọi của Thượng Đế rời bỏ quê hương ở thành Ur thuộc phía Bắc vùng Mesopotamia – Lưỡng Hà – nay là Đông Nam Turkey, đến lập nghiệp tại xứ Canaan, một vùng đất kéo ngang từ bờ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải ngày nay.


Đó là vào khoảng năm 2,000 TCN. Theo Sách Xuất Hành trong Kinh Thánh, Abram cùng gia đình rời bỏ quê hương ở Ur đi đến Harran. Tại đó, Abram đã nhìn thấy Thượng Đế trong giấc mơ và được Người chỉ đường tới vùng đất Canaan. Thượng Đế cũng lập Giao Ước với Abram rằng:


- Ta là Thượng Đế toàn năng, và Ta lập Giao Ước với ngươi. Ngươi sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc và để đánh dấu Giao Ước này, ngươi sẽ đổi tên thành Abraham, có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”. Ta sẽ giữ lời hứa và xứ Canaan sẽ thuộc về ngươi và dòng dõi của ngươi đời đời; và Ta sẽ là Thượng Đế của họ.


Xứ Canaan về sau được gọi là Đất Hứa – Promised Land – là vì vậy. Abraham chấp nhận Giao Ước và nguyện sẽ tôn thờ Thượng Đế – Đức Jehovah – là Thượng Đế duy nhất của vũ trụ.


Lịch sử của dân tộc Israel bắt đầu với câu chuyện của gia đình Abraham như thế. Họ trở thành một thị tộc – clan – rồi phát triển lớn hơn thành một bộ tộc – tribe – và cuối cùng cắm rễ để trở thành một dân tộc – nation – dân tộc Israel.

Theo Kinh Thánh, Thượng Đế tạo nên Trái Đất, sau đó tạo ra con người. Tên của con người đầu tiên là Adam. Con cháu của Adam và Eva dẫn tới Noah.


Con trai lớn của Noah là Shem trở thành tổ tiên của các giống dân Israel và Arab.


Do đó, phát sinh danh từ "Semites" để gọi chung người Israel và Arab, có nghĩa là “con cháu của Shem”.


Con cháu của Shem dẫn đến Abraham. Abraham cưới Sarah nhưng không có con cho nên Abraham lấy Hagar làm vợ thứ. Hagar sinh cho Abraham một con trai là Ishmael, và rồi cùng lúc người vợ đầu Sarah may mắn có bầu và sinh con trai đặt tên là Isaac. Sarah sau đó đòi Abraham đày Hagar và Ishmael ra khỏi bộ tộc. Kinh Koran của Hồi Giáo theo sát Kinh Thánh Cựu Ước cho đến thời điểm này nhưng bắt đầu tách ra từ đây. Theo Kinh Koran, Ishmael đi tới Mecca và con cháu của Ishmael phát triển mạnh khắp bán đảo Arab và trở thành người Hồi Giáo. Còn con cháu của Isaac vẫn ở lại Palestine và trở thành tổ tiên của người Hebrew mà sau này chúng ta gọi là Israelites rồi Jews.


Trong rất nhiều thế kỷ người Hồi Giáo và người Israel, mặc dù cùng chung một nguồn gốc, vẫn không hết thù ghét nhau phần lớn là do kỳ thị tôn giáo. Phải chăng đây là một lời nguyền nghiệt ngã mà Thượng Đế đã đặt lên số phận người Israel và người Arab?


Tiếp tục với câu chuyện về gia đình Abraham. Sau khi Abraham chết, trách nhiệm lãnh đạo được truyền lại cho con trai của ông là Isaac và rồi đến con trai của Isaac là Jacob. Jacob về phần mình có mười hai người con trai. Tất cả từ Abraham, Isaac, Jacob cho đến mười hai người con trai của Jacob được gọi là “tổ phụ” – Patriarchs – tức là tổ tiên của dân tộc Israel. Chữ Israel lần đầu tiên được dùng trong Kinh Thánh có liên quan đến Jacob. Một đêm, Jacob nằm mơ vật lộn với một người lạ, và sau đó, chính người lạ ấy – hình bóng của Thượng Đế – đã chúc phúc và đặt cho Jacob cái tên Israel, có nghĩa là “Kẻ chiến đấu với Thượng Đế” "He who struggles with God". Kể từ đó, người Hebrew được gọi là Bnei Yisrael – ”Son of Israel” – “Những người con của Israel” – hoặc Israelites.


Theo thời gian, từ dân tộc Israel đã ra đời ba tôn giáo lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên thế giới, khởi đầu là Judaism giáo vào khoảng năm 1,500 TCN, tiếp theo là Christianity 0- Thiên Chúa Giáo được Jesus Christ sáng lập vào giữa thế kỷ 1 như một nhánh ly khai từ Judaism và sau đó là Hồi giáo được nhà tiên tri Muhammad sáng lập vào thế kỷ 6. Tuy nguyên thủy không phải là một nhánh ly khai từ Juadism hay Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo tự cho mình là sự tiếp nối hoàn hảo và thay thế cho hai tôn giáo nói trên. Sự ra đời của ba tôn giáo cùng những bản văn thiêng liêng đã tạo nên Kinh Thánh – cuốn sách được đọc rộng khắp nhất qua mọi thời đại. Kinh Torah của Judaism hay còn được gọi là Kinh Cựu Ước theo Thiên Chúa Giáo đã đem lại nguồn cảm hứng cho 14 triệu tín đồ Judaism, hai tỷ tín đồ Thiên Chúa Giáo, và được kể lại trong Kinh Koran cho 1.5 tỷ tín đồ Hồi Giáo.




Friday, November 18, 2016

ROBOT HÓA: MỐI NGUY CẬN KỀ CỦA CÔNG NHÂN BẬC THẤP

Tác giả:  Khánh Bình
Nguồn: RFI
Vào năm 2013, hãng thông tấn AP đặt ra câu hỏi:
- Chúng ta có chuẩn bị gì khi 50%, thậm chí 70% người lao động thất nghiệp trong những năm tới?
Đối với nhiều nhà kinh tế và công nghệ, đây là một trong những câu hỏi lớn nhất mà loài người phải đương đầu trong tương lai gần. Cơn lốc robot hóa và tự động hóa hiện nay cho thấy nỗi lo sợ nói trên hoàn toàn có cơ sở: nếu không có mô hình kinh tế xã hội phù hợp, tỉ lệ thất nghiệp cao sẽ tạo ra những bất ổn, loạn lạc, nhất là đối với những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội không vững chãi.
Quá trình robot hóa và tự động hóa các quy trình diễn ra nhanh chóng, khiến cho những công việc giản đơn và được trả lương thấp sẽ được thay thế dần bởi các robot và các quy trình tự động hóa ở khắp nơi, trong đó, các nước kém phát triển chịu nhiều ảnh hưởng hơn các nước phát triển.
CƠN LỐC ROBOT HÓA VÀ CÔNG NGHỆ
Một số nguyên nhân chính của cơn lốc robot hóa có thể kể ra như sau :
i. Thứ nhất: công nghệ và trí tuệ nhân tạo - Artificial intelligence -AI - phát triển theo cấp số mũ. Nhiều nguồn lực được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D - Research and Development).
ii. Thứ hai: chi phí đầu tư cho việc tự động hóa ngày càng rẻ, khi mà công nghệ được phổ biến, ngày càng tối ưu hơn, và có nhiều nhà cung cấp hơn.
iii. Thứ ba, năng suất sau khi robot hóa hay tự động hóa quy trình tăng lên, tỉ lệ sai sót giảm đi, trong nhiều trường hợp còn rút ngắn thời gian sản xuất.
Hiện nay, ngày càng có nhiều minh chứng cho xu hướng robot hóa, tự động quá các quy trình. Chẳng hạn, theo Business Insider, ba trong số mười doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất toàn cầu đang và sẽ thay thế các nhân công của mình bằng robot. 
Cụ thể Foxconn, tập toàn gia công chính cho Apple, Google và Amazon đã thay 60,000 nhân công bằng robot. Tập đoàn bán lẻ Walmart, với 2,1 triệu nhân công, muốn thay thế những nhân viên kiểm hàng trong các kho bằng các máy bay không người lái - drone. Nơi sử dụng nhiều lao động nhất là Bộ Quốc Phòng USA - DoD, với khoảng 3.2 triệu lao động, cũng ngày càng sử dụng các các cỗ máy thay cho con người.
Chẳng hạn, vào năm 2014, DoD có khoảng 10,000 máy bay không người lái kích thước nhỏ. Số lượng hiện nay chắc chắc nhiều hơn vì những thiết bị như thế này có giá thành hạ trong khi có thêm nhiều tính năng. Một lãnh đạo cấp cao của McDonald’s, với 1.9 triệu nhân công, đã từng nói với Fox Business rằng, nếu lương tối thiểu ở USA tăng, chuỗi cửa hàng ăn nhanh này sẽ dùng robot vì theo ông:
- Đầu tư một cánh tay robot trị giá 35 ngàn USD rẻ hơn trả lương 15 USD một giờ cho một người đóng gói khoai tây chiên.
Ngay tại một quốc gia thâm dụng lao động như Trung Quốc, việc sử dụng robot đang diễn ra nhanh chóng. Một công ty công nghệ ở thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông sau khi sử dụng robot, giảm số nhân công từ 650 xuống còn 60, và nhiều khả năng xuống còn 20. Năng suất của robot gần như gấp ba lần con người ở công ty này, và tỉ lệ sản phẩm hỏng còn dưới 5% so với 25% trước đó. Năm 2014, Trung Quốc mua mới khoảng 60,000 robot công nghiệp, chiếm 25% số lượng toàn cầu, và dự báo nhu cầu tăng mỗi năm khoảng 25%.
Trong một báo cáo của Citibank và đại học Oxford vào tháng 1.2016 có tựa "Công Nghệ - Việc Làm v.2.0 : Tương Lai Không Như Đã Từng", nhiều khả năng 77% việc làm ở Trung Quốc, 72% việc làm ở Thailand, và 69% việc làm ở India sẽ được tự động hóa và thay thế bằng robot. Cũng theo báo cáo này, tự động hóa và sự phát triển của công nghệ in 3D sẽ tác động nhiều nhất đối với những nước có nhiều công xưởng với nhân công giá rẻ, nhất là Trung Quốc.
Để tìm hiểu thêm về mối tương quan giũa robot hóa và thất nghiệp, RFI Việt ngữ có cuộc trao đổi ngắn với GS Phạm Hi Đức, trưởng khoa tính toán định lượng & tài chính trường kỹ sư ECE Paris, chủ nhiệm chương trình tài chính định lượng tại viện JVN , cựu chuyên gia NHTW Pháp.

RFI: Thưa Giáo sư, Giáo sư có thể cho biết có những hình thức robot hóa nào?
PHD: Vâng, robot hóa thì chúng ta có thể nói là có ba loại robot hóa.
Robot hóa thứ nhất, và cụ thể nhất là máy móc thay người. Ta có thể thấy như xe hơi thay người lái, hoặc các cánh thay nhân tạo trong các xưởng chế tạo lắp ráp xe hơi, sơn xe.
Loại robot hóa thứ hai là trí tuệ nhân tạo, sử dụng computer để dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác như Google translate. 
Và cái robot hóa thứ ba là biến đổi tất cả các quy trình trong một công việc nào đó. Ví dụ ngày xưa chuyển tiền dùng chi phiếu, qua nhiều công đoạn, ngày nay dùng smartphone để gần nhau là có thể thực hiện được việc chuyển tiền cho nhau.
RFI: Như vậy, có phải các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau thì ảnh hưởng của robot hóa cũng khác nhau? Việt Nam thì như thế nào, thưa GS?
PHD: Robot hóa thứ ba nó ảnh hưởng đến nhiều các dịch vụ ngân hàng tài chính ở các quốc gia phát triển. Đối với Việt Nam thì liên quan nhiều đến robot hóa thứ nhất, tức là máy móc thay con người và có việc dịch chuyển các công xưởng trong tương lai.
RFI: Theo GS, vì sao có xu hướng dịch chuyển các nhà máy, công xưởng về lại gần các quốc gia phát triển?
PHD: Có ba yếu tố. Thứ nhất, công nghệ robbot phát triển, khiến giá thành robot ngày càng rẻ hơn nhân công, ngay cả những xứ nhân công không đắt như Việt Nam, Trung Quốc. Thứ hai, là sức ép chính trị từ những quốc gia đầu tư, muốn đem công việc về lại đất nước của họ chứ không xuất cảng công việc. Thứ ba nữa là những quốc gia nhận đầu tư có quan tâm nhiều hơn về môi trường, cũng như vấn đề an toàn lao động. Cho thấy những quốc gia này không dễ chấp nhận làm công xưởng cho thế giới như trước.
RFI: Nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng quá trình robot hóa, tự động hóa có thể sớm hoàn tất vì bây giờ người ta đã đề cập nhiều đến cách mạng công nghiệp V.4.0, GS có thể cho biết dự đoán của mình?
PHD: Vâng, đây cũng chỉ là dự đoán theo các dữ kiện, nhưng không ai có thể biết tương lai như thế nào. Có nhiều chuyên gia cho là, cái đó xảy ra trong thập kỷ sắp đến, từ năm đến mười năm nữa. Nhiều nhà máy sẽ dời về lại xứ chủ cũ của nó. Trong khi đó, loại robot hóa thứ ba nó diễn ra nhanh hơn. Các dịch vụ văn phòng khi thay đổi thì diễn ra rất nhanh so với trong công nghiệp kỹ nghệ. Trong hai, ba năm nữa sẽ có những thay đổi mạnh mẽ. Điều này sẽ làm cho nhu cầu nhân lực giảm, đưa đến nạn thất nghiệp không chỉ ở những quốc gia như Việt Nam mà còn ở những nước phát triển.
RFI: Xin cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ vừa rồi

HIỆN TRẠNG VÀ DỰ BÁO CỦA VIỆC LÀM TOÀN THẾ GIỚI

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO - năm 2016, cả thế giới có khoảng 200 triệu người thất nghiệp. 
 
Đến năm 2020, con số này tăng thêm 11 triệu. Số lượng việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp: công việc chân tay, lương thấp toàn cầu hiện khoảng 1.5 tỷ chiếm 46% tổng số việc làm. Đáng lưu ý là trên 70% lao động ở các quốc gia Nam Á và châu Phi vùng hạ Sahara thuộc nhóm này.
Không những thế, tỉ lệ lao động không chính thức [1] trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Srilanka rất cao, từ 60% đến 80%.
Mặc dù việc làm mới vẫn liên tục được tạo ra, nhưng theo dự báo của ILO, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng ổn định. Cụ thể, số lượng việc làm trong một số ngành, không chỉ không có thêm mà còn giảm đi như ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt, khai khoáng, và chế tạo lắp ráp.
Theo dự báo của Martin Ford, một doanh nhân về công nghệ phần mềm, đến cuối thế kỷ này, tỉ lệ thất nghiệp sẽ là 75% vì phần lớn các công việc lặp đi lặp lại do con người làm sẽ bị thay thế bởi máy móc. Thêm vào đó, Andrew MacAfee và Erik Brynjolfsson, MIT, cho rằng xu hướng này ngày tăng với tốc độ rất nhanh. Một nghiên cứu của Frey và Osborne, đại học Oxford, năm 2013, cho biết, những ngành nghề có lương thấp và yêu cầu ít đào tạo sẽ có nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa.

LÀN SÓNG LUDDITES MỚI

Vào thế kỉ 19 tại Vương Quốc Anh/ U.K, đã có phong trào Luddites phá hoại các máy dệt vì nhiều công nhân cho rằng máy móc đã đánh cắp việc làm việc làm của họ. Vào năm 1811, số lượng binh lính Vương Quốc Anh huy động để chống lại Ned Ludd và đội quân Luddites còn nhiều hơn cả chống lại Napoleon ở Espana.
Nguy cơ thất nghiệp hàng loạt ngày càng hiện hữu và đến gần. Nhiều người lo ngại nếu không có sự thay đổi mô hình kinh tế xã hội phù hợp thì những bất ổn sẽ gia tăng do các mâu thuẩn xã hội nảy sinh. Vì thế, ở những quốc gia phát triển, có người đã nghĩ đến mô hình "thu nhập tối thiểu phổ quát – basic income" để làm cho xã hội hài hòa hơn. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục đào tạo chú trọng đến phát triển nhiều kỹ năng, khả năng thích ứng và học tập liên tục.
Trong khi đó, ở những xã hội kém phát triển hơn, giải quyết vấn đề thất nghiệp hàng loạt là điều rất khó, không khéo sẽ có Luddites v2.0.

Monday, November 7, 2016

ĐỀN ĐÁP GIÁN TIẾP – INDIRECT RECIPROCITY


Hai giáo sư Claus Wedekind và Manfred Milinski ở đại học Bern, đã làm một cuộc thí nghiệm về tính thiện của con người, bảng báo cáo của họ vào năm 2000 nay đã trở thành một công trình “cổ điển”. Làm việc thiện tức là việc ích lợi cho người khác và thế nào mình cũng chịu tốn kém một chút nào đó. Mục đích cuộc thí nghiệm của hai ông là xem tại sao có nhiều người thích làm việc thiện, việc tốt đẹp dù không được đáp lại. Hai ông dùng một lý thuyết sinh học là “đền đáp gián tiếp” – indirect reciprocity.

Bình thường, ai làm việc tốt cho mình thì chúng ta báo đáp. Trong quan hệ trực tiếp giữa hai cá nhân, hiện tượng vay trả, đáp ứng – reciprocity – có đi có lại, là chuyện thường diễn ra và dễ hiểu. Nhưng chúng ta cũng hay làm những việc tốt lành cho những người hoàn toàn hoàn toàn xa lạ; cho những người mình chỉ gặp gỡ tình cờ và không nghĩ trong đời sẽ còn gặp lại.

Giáo sư Claus Wedekind và Manfred Milinski đã bày ra một “trò chơi” nhờ các sinh viên tham dự vào một cuộc thí nghiệm để tìm hiểu hiện tượng “đền đáp gián tiếp” có thật sự thể hiện hay không. Họ được 80 sinh viên cộng tác, mỗi người ngồi trước máy tính, coi như được phát một số đồng Franc của Switzerland. Họ có quyền phát tiền cho một người bạn tham dự cuộc chơi. Mỗi lần mỗi sinh viên lại cho tiền một người khác nhau, mỗi người chơi không biết ai là “đối tác” của mình; trên màn ảnh máy vi tính chỉ biết là đối tác đó đã từng phát tiền cho người khác bao nhiêu lần.

Kết quả cho thấy thuyết “đền đáp gián tiếp” – “indirect reciprocity” được thể hiện. Nếu thuyết đó không đúng, tức là các sinh viên quyết định đem tặng tiền cho người khác một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, thì khi trò chơi kết thúc, số tiền vốn của mọi người sẽ gần như bằng nhau. Nhưng sau cùng, khi tổng kết xem mỗi người còn bao nhiêu tiền, người ta thấy những sinh viên nào hay đem tiền cho người khác nhất cũng là những sinh viên nhận được nhiều hơn các bạn khác.

Nhưng tất nhiên trong nhân loại có những người vị tha hơn người khác và ngược lại có người thường chỉ nghĩ đến mình (vị kỷ, ích kỷ). Hành vi của họ khác nhau như thế nào khi biết rằng những người có tiếng vị tha có thể được đền đáp?

Một cuộc nghiên cứu khác, công bố năm 2008 trên tạp chí Social Psychology Quarterly, của hai giáo sư Brent Simpson và Robb Willer ở Hiệp Chúng Quốc (U.S), đã tìm hiểu kỹ hơn về tác phong của con người trong hoàn cảnh có sự đền đáp gián tiếp.

Trong thí nghiệm này, người ta trắc nghiệm trước các đối tượng để xếp loại những người có khuynh hướng vị kỷ trong một nhóm, nhóm kia là những người được xếp loại vị tha. Khi tham dự cuộc chơi mà biết rằng các hành động thiện trong tương lai có thể được đền đáp thì những người vị kỷ phản ứng rất tích cực. Ngược lại, những người vốn tính vị tha thì dù biết sau này có được đền đáp hay không, họ cũng không chịu ảnh hưởng. Như vậy nghĩa là hành động hoàn toàn vị tha là có thật; nhưng nhân loại không phải ai cũng vị tha. Thí nghiệm thêm lần nữa, hai tác giả thấy rằng khi được chứng kiến ai có hành động thiện, thì những người vị tha thường “tưởng thưởng” cho những người thiện đó nhiều hơn những người có tính vị kỷ qua việc đền đáp gián tiếp.

Tạp chí Games and Economic Behavior tháng 11.2009 đăng kết quả cuộc nghiên cứu của ba giáo sư khác ở châu Âu, họ chia các đối tượng nghiên cứu làm hai nhóm, một nửa thì mỗi lần “làm việc thiện” đều được báo cho mọi người biết, một nửa thì hoàn toàn không. Kết quả cho thấy trong xã hội quả thật có hiện tượng thuần túy “đền đáp gián tiếp”. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người làm điều thiện vì tính toán thiệt hơn, được mất.

Người ta cũng làm một thí nghiệm nữa: họ để trong bóp/ ví một ít tiền, có thể 25 USD đến 50 USD, một số giấy tờ có địa chỉ của người chủ chiếc bóp nhưng thông tin của chủ nhân là giả còn địa chỉ thật rồi vất chiếc bóp ra đường. Hơn 68%, tức là hơn 2/3, cái bóp đã được gởi trả lại theo địa chỉ của chủ nhân chiếc bóp, là các giáo sư làm thí nghiệm, và 80% người lụm gởi trả lại mà không ghi địa chỉ của mình.