Hai giáo sư Claus Wedekind và Manfred Milinski ở đại học Bern, đã làm một
cuộc thí nghiệm về tính thiện của con người, bảng báo cáo của họ vào năm 2000
nay đã trở thành một công trình “cổ điển”. Làm việc thiện tức là việc ích lợi
cho người khác và thế nào mình cũng chịu tốn kém một chút nào đó. Mục đích cuộc
thí nghiệm của hai ông là xem tại sao có nhiều người thích làm việc thiện, việc
tốt đẹp dù không được đáp lại. Hai ông dùng một lý thuyết sinh học là “đền đáp
gián tiếp” – indirect reciprocity.
Bình thường, ai làm việc tốt cho mình thì chúng ta báo đáp. Trong quan hệ
trực tiếp giữa hai cá nhân, hiện tượng vay trả, đáp ứng – reciprocity – có đi
có lại, là chuyện thường diễn ra và dễ hiểu. Nhưng chúng ta cũng hay làm những
việc tốt lành cho những người hoàn toàn hoàn toàn xa lạ; cho những người mình
chỉ gặp gỡ tình cờ và không nghĩ trong đời sẽ còn gặp lại.
Giáo sư Claus Wedekind và Manfred Milinski đã bày ra một “trò chơi” nhờ
các sinh viên tham dự vào một cuộc thí nghiệm để tìm hiểu hiện tượng “đền đáp
gián tiếp” có thật sự thể hiện hay không. Họ được 80 sinh viên cộng tác, mỗi
người ngồi trước máy tính, coi như được phát một số đồng Franc của Switzerland.
Họ có quyền phát tiền cho một người bạn tham dự cuộc chơi. Mỗi lần mỗi sinh
viên lại cho tiền một người khác nhau, mỗi người chơi không biết ai là “đối
tác” của mình; trên màn ảnh máy vi tính chỉ biết là đối tác đó đã từng phát
tiền cho người khác bao nhiêu lần.
Kết quả cho thấy thuyết “đền đáp gián tiếp” – “indirect reciprocity” được
thể hiện. Nếu thuyết đó không đúng, tức là các sinh viên quyết định đem tặng
tiền cho người khác một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, thì khi trò chơi kết thúc,
số tiền vốn của mọi người sẽ gần như bằng nhau. Nhưng sau cùng, khi tổng kết xem
mỗi người còn bao nhiêu tiền, người ta thấy những sinh viên nào hay đem tiền
cho người khác nhất cũng là những sinh viên nhận được nhiều hơn các bạn khác.
Nhưng tất nhiên trong nhân loại có những người vị tha hơn người khác và
ngược lại có người thường chỉ nghĩ đến mình (vị kỷ, ích kỷ). Hành vi của họ
khác nhau như thế nào khi biết rằng những người có tiếng vị tha có thể được đền
đáp?
Một cuộc nghiên cứu khác, công bố năm 2008 trên tạp chí Social Psychology
Quarterly, của hai giáo sư Brent Simpson và Robb Willer ở Hiệp Chúng Quốc
(U.S), đã tìm hiểu kỹ hơn về tác phong của con người trong hoàn cảnh có sự đền
đáp gián tiếp.
Trong thí nghiệm này, người ta trắc nghiệm trước các đối tượng để xếp
loại những người có khuynh hướng vị kỷ trong một nhóm, nhóm kia là những người
được xếp loại vị tha. Khi tham dự cuộc chơi mà biết rằng các hành động thiện
trong tương lai có thể được đền đáp thì những người vị kỷ phản ứng rất tích
cực. Ngược lại, những người vốn tính vị tha thì dù biết sau này có được đền đáp
hay không, họ cũng không chịu ảnh hưởng. Như vậy nghĩa là hành động hoàn toàn
vị tha là có thật; nhưng nhân loại không phải ai cũng vị tha. Thí nghiệm thêm
lần nữa, hai tác giả thấy rằng khi được chứng kiến ai có hành động thiện, thì
những người vị tha thường “tưởng thưởng” cho những người thiện đó nhiều hơn
những người có tính vị kỷ qua việc đền đáp gián tiếp.
Tạp chí Games and Economic Behavior tháng 11.2009 đăng kết quả cuộc
nghiên cứu của ba giáo sư khác ở châu Âu, họ chia các đối tượng nghiên cứu làm
hai nhóm, một nửa thì mỗi lần “làm việc thiện” đều được báo cho mọi người biết,
một nửa thì hoàn toàn không. Kết quả cho thấy trong xã hội quả thật có hiện
tượng thuần túy “đền đáp gián tiếp”. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người làm
điều thiện vì tính toán thiệt hơn, được mất.
Người ta cũng làm một thí nghiệm nữa: họ để trong bóp/ ví một ít tiền, có
thể 25 USD đến 50 USD, một số giấy tờ có địa chỉ của người chủ chiếc bóp nhưng
thông tin của chủ nhân là giả còn địa chỉ thật rồi vất chiếc bóp ra đường. Hơn
68%, tức là hơn 2/3, cái bóp đã được gởi trả lại theo địa chỉ của chủ nhân
chiếc bóp, là các giáo sư làm thí nghiệm, và 80% người lụm gởi trả lại mà không
ghi địa chỉ của mình.
No comments:
Post a Comment