Tuesday, October 28, 2014

HAI HẠNG NGƯỜI DŨNG MÃNH, THANH TỊNH

Ðức Phật bảo:

- Lành thay! Lành thay! Các con biết hổ thẹn đến như vậy mà phát tâm cầu xin sám hối. Trong giáo pháp của ta, có hai hạng người gọi là không phạm tội:

1. Người bản tánh trong sạch, từ xưa đến nay không phạm tội lỗi, đạo đức toàn mỹ.

2. Người phạm lỗi, phạm tội rồi biết hổ thẹn, phát tâm chân thật cầu xin sám hối.

Ở trong giáo pháp của ta, hai hạng người này gọi là dũng mãnh, được thanh tịnh.

Người cao thượng thứ nhất chỉ cho các vị Chư Phật và Thánh nhân. Vì Chư Phật và Bồ Tát đã đạt đến vô lậu, giải thoát nên dứt  bặt việc tạo tác tội lỗi. 

Còn hạng con người bình thường chúng ta một khi lỡ vì vô minh, ngu khờ không biết, hoặc tham sân tập khí bùng khởi không ngăn chặn nổi mà gây nên tội, đến khi tỉnh ngộ nhận thức được lỗi mình làm ra, liền ăn năn sám hối, khả dĩ trở thành hạng người cao thượng thứ hai. Vì phương pháp “sám hối” trước hết giúp chúng ta gạn lọc thân tâm, còn gọi là “Hồi quang phản tỉnh” hay “Phản quang tự kỷ”. Đây là cách kiểm tra tâm mình để ngăn ngừa tội gốc, vì tội vốn “tùng tâm khởi” [nương theo tâm mà khởi], biết được tội gốc, khi đó có thể đoạn tận nó và không sanh khởi lại.

BA CÂU KỆ TRONG KINH PHÁP CÚ

Trong Kinh Pháp Cú, có ba dòng Kệ vô cùng quan trọng và cốt lõi của giáo lý Đức Phật. Đó là ba dòng Kệ số 5, 6 & 7 trong Phẩm XX (tức các Bài Kệ số 277, 278 & 279).

Hai dòng kệ đầu ghi rằng:

Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường
Sabbe SAMKHĀRĀ aniccā: Những gì có điều kiện, do duyên hợp, tức hữu vi đều vô thường.

Và:

Tất cả các pháp hữu vi đều là dukkhā/ phiền não/ khổ đau/ không tồn tại mãi mãi.

Sabbe SAMKHĀRĀ dukkhā: Những gì có điều kiện, do duyên hợp, tức hữu vi đều thuộc về phiễn não,  khổ đau, không tồn tại mãi mãi - dukkha.

Và:
Dòng kệ thứ ba ghi rằng:

Tất cả các pháp đều vô ngã
Sabbe DHAMMĀ anattā: Tất cả các pháp đều không có ngã, vô ngã .[13]

Chúng ta nên cẩn thận quan sát trong hai dòng kệ đầu, chủ ngữ là chữ samkhārā (những pháp hữu vi, những thứ do điều kiện, do duyên hợp mà có) đã được dùng. Nhưng ở bài kệ thứ ba, chủ ngữ là chữ dhammā [pháp] đã được dùng. Tại sao ở dòng Kệ thứ ba không dùng luôn chữ samkhārā [những pháp hữu vi] như ở hai dòng kệ đầu? Và tại sao lại thay thế bằng chữ dhammās [pháp]? 

Đây là chỗ cần tháo gỡ của vấn đề  "vô ngã" này.

Từ samkhāra [pháp hữu vi] [14] biểu thị về Ngũ Uẩn, về những sự vật hay trạng thái có điều kiện, tùy theo duyên, tương tức và tương quan lẫn nhau mà có, về cả hai phương diện vật chất [sắc] và tinh thần [tâm linh].

Giả sử như dòng Kệ thứ ba mà ghi rằng: “Sabbe SAMKHĀRĀ anattā”, tức là “Tất cả các pháp hữu vi đều vô ngã” thì mọi người sẽ nghĩ rằng: Cho dù những pháp hữu vi là vô ngã, thì có thể vẫn có ‘Ngã’ bên ngoài những pháp hữu vi, bên ngoài Ngũ Uẩn. Vì vậy, để tránh sự hiểu lầm này mà chữ dhammā đã được dùng trong dòng kết thứ ba. 

Chữ dhamma [pháp] mang nghĩa rộng lớn hơn chữ samkhārā [pháp hữu vi]. Tất cả mọi thứ dù bên trong hay bên ngoài vũ trụ, mọi điều thiện hay ác, hữu vi [có điều kiện] hay vô vi [không điều kiện], tương đối hay tuyệt đối, đều nằm trong chữ “pháp này. 

Hay nói cách khác, khi đã nói "tất cả các pháp" hay "vạn pháp" thì đã bao gồm tất cả các pháp hữu vi và vô vi, dù bất cứ ở đâu, bên trong hay bên ngoài thế giới hay vũ trụ

THUYẾT DUYÊN KHỞI

Trước khi đi vào vấn đề Vô Ngã một cách đúng đắn, chúng ta cần có một ý niệm tóm lược về luật Duyên Khởi. Nguyên tắc của học thuyết này được tóm tắt trong một công thức gồm 4 dòng như sau:

Vì cái này có, cái kia có. (imasmim sati idamhoti).

Vì cái này sinh, cái kia sinh. (imassuppàda idam uppajjati).

Vì cái này không, cái kia không. (imasmim asati idam na hoti).

Vì cái này diệt, cái kia diệt. (imassa nirodhà idam airujjhata).[3]

Theo nguyên tắc về duyên (điều kiện), sự tương quan và tương tức này, toàn thể sự tồn tại và liên tục của cuộc sống, và sự chấm dứt sự sống, được giải thích trong một công thức chi tiết gọi là Duyên Khởi (nghĩa là sự sinh khởi có điều kiện, do nhân duyên), bao gồm 12 yếu tố nhân duyên như sau:

1. Vì có Vô minh nên sinh Hành (Avijjāpaccayā samkhārā).
(xin nhắc lại, Hành là hành động cố ý hay nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và ý).

2. Vì có Hành nên sinh Thức (Samkhàrapaccayà vinnànam).
(làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ theo như Nghiệp, Hành tốt xấu quy định).

3. Vì có Thức nên sinh Danh Sắc (Viňňānapaccayā nāmarūp- am).
(là toàn bộ yếu t vật chất & tâm linh hay tâm lí & sinh lí của bào thai mới, do Năm Uẩn (pañca-khandha) tạo thành).

4. Vì có Danh Sắc nên sinh Lục Căn (Nāmarūpapaccayā salāyatanam).
(ở đây, yếu t Danh & Sắc, vật chất & tâm linh, ‘duyên’ sanh ra 6 Cơ STiếp Xúc là 6 giác quan (lục căn) va chạm, ‘tiếp xúc’ với 6 đối tượng của chúng, lục trần)

5. Vì có Lục Căn tiếp xúc với bên ngoài nên sinh ra Xúc.
(Salāyatanapaccayā phasso).

6. Vì có Xúc nên sinh Thọ (Phassapaccayā vedanā).
(Cảm thọ là cảm giác, cảm nhận của ‘con người’ mới với thế giới hay khi va chạm, ‘tiếp xúc’ với 6 đối tượng bên ngoài).

7. Vì có Thọ nên sinh Ái (Dục Vọng) (Vedanāpaccayā tanhā).
(Ái là tham ái, lòng ham muốn: ‘Dục vọng’).

8. Vì có Ái nên sinh Thủ (Tanhāpaccayā upādānam).
(là điều cá nhân hay thực thể mới tái sinh muốn chiếm lấy cho mình, hay chấp thủ, hay dính chấp).

9. Vì có Thủ nên dẫn đến Hữu (Upādānapaccayā bhavo).
(Hữu tức là tiến trình ‘Trở thành’, ‘hiện thành’, tái tạo sự sống…).

10. Vì có Hữu nên dẫn đến Sinh (Bhavapaccayā jāti).
(sinh một cá nhân hay chúng sinh, mới xuất hiện, ra đời hẳn hoi).

11. Vì có Sinh nên có Lão, Tử…(Jātipaccayā jarāmaranam….)
(Lão, tức là già, chết, vì có sinh nên có hoại, diệt).

Hoặc các bạn có thể tham khảo bản dịch ‘kinh điển’ vốn quen thuộc nhiều người Việt Nam xuất gia và tại gia, (bản dịch của Ni Sư Trí Hải), như sau:

1. Vô minh (làm) duyên (cho) Hành (Avijjàpaccayà samkhàvà).

2. Hành (làm) duyên (cho) Thức (Amkhàrapaccayà vinnànam).

3. Thức (làm) duyên (cho) Danh Sắc (Vinnànapaccayà nàmarùpam).

4. Danh sắc (làm) duyên (cho) Lục Nhập (Nàmarùpapaccayà salàyatanam).

5. Lục Nhập (làm) duyên (cho) Xúc (Salàyatanapaccayà phasso).

6. Xúc (làm) duyên (cho) Thọ (Phassapaccayà vedanà).

7. Thọ (làm) duyên (cho) Ái (Vedanàpaccayà tanhà).

8. Ái (làm) duyên (cho) Thủ (Tanhapaccayà upàdànam).

9. Thủ (làm) duyên (cho) Hữu (Upàdànapaccayà bhavo).

10. Hữu (làm) duyên (cho) Sinh (Bhavapaccayà jàti).

11. Sinh (làm) duyên (cho) Lão, Tử… (Jātipaccayā jarāmaranam…).

Đây là quá trình, cách thức mà sự sống đã khởi sinh, tồn tại và tiếp diễn. Nếu ta đảo ngược công thức lại, ta sẽ đi đến sự chấm dứt của quá trình (theo chiều “hoàn diệt”)

1. Khi Vô minh diệt (chấm dứt), thì Hành diệt; 

2. Khi Hành diệt thì Thức diệt; …………..

…………………………………………………

11. Khi Sinh diệt, thì ‘Lão, tử, khổ não, đau đớn … cũng diệt.

* Cần ghi nhớ một điều quan trọng là: 

Những yếu tố của vòng Duyên Khởi này bị chi phối, bị điều kiện (paticcasamuppanna) cũng như là chi phối, là điều kiện, là nhân, là duyên (paticcasamuppāda).[4]

Vì vậy, tất cả chúng là liên quan với nhau (tương quan), phụ thuộc vào nhau (tương tức) và kết nối lẫn nhau, và không có cái nào là tuyệt đối hay độc lập, một mình tồn tại cả. Vì thế, Phật giáo không chấp nhận cái nào là nguyên nhân thứ nhất cả, như ta đã học ở chương trước.[5]
 
Nhưng Duyên Khởi nên được xem là một vòng tròn (tức là một chuỗi mắc xích giáp vòng) chứ không phải là một chuỗi mắc xích hai đầu.[6]

HUMAN BEINGS' IDENTITY AND THOUGHT - BẢN SẮC VÀ TƯ TƯỞNG CỦA CON NGƯỜI

Theo Erik Erickson, nhà tâm lý học Hiệp Chúng Quốc (U.S), sự hình thành bản sắc của con người đã hoàn thiện và chấm dứt hoàn toàn trong 30 năm đầu của một đời người:

-    10 năm đầu cho bản sắc tuổi thanh xuân.

-    10 năm tiếp theo cho bản sắc tình cảm, tư tưởng.

-     10 năm sau cho bản sắc văn hóa.

Một người sinh ra và trưởng thành trên một vùng đất nào đó tới 30 tuổi thì dầu muốn hay không họ đã hoàn toàn thuộc về nơi đó.

CEO Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình:

Con người chỉ tiếp thu được kiến thức để định hình nhân sinh quan và quan điểm trước năm 25 hoặc 30 tuổi. Sau độ tuổi này, hầu như không tiếp nhận được gì mới và không thay đổi được những định kiến, suy nghĩ cũ. Việc đọc sách sau 30 tuổi chỉ là bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin mới và để xử lý một vấn đề kỹ thuật cụ thể chứ không làm thay đổi lối tư duy, quan điểm của họ.

Monday, October 27, 2014

THE ART OF HAPPINESS – NGHỆ THUẬT TẠO HẠNH PHÚC




Tác giả:
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 – His Holiness The 14th Dalai Lama.
Bác Sĩ – M.D Howard C. Cutler.
Dịch giả: Tỳ kheo Thích Tâm Quang.
PHẦN I: MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC ĐỜI
CHƯƠNG 1: QUYỀN HƯỞNG HẠNH PHÚC
- Tôi tin là mục đích chính của cuộc đời là cầu tìm hạnh phúc. Điều đó thật rõ ràng. Dù ta tin vào tôn giáo hay không, dù ta tin vào tôn giáo này hay tôn giáo kia, tất cả chúng ta đều cầu tìm điều tốt đẹp hơn trong đời sống. Vậy nên, tôi nghĩ rằng, động cơ chính của cuộc đời là tiến tới hạnh phúc.
Bằng những lới nói ấy, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trước một số cử tọa đông đảo tại Arizona cốt lõi thông điệp của Ngài. Nhưng việc cho rằng mục đích của đời sống là hạnh phúc dấy lên câu hỏi trong tâm tôi. Sau này, khi không có ai, tôi [Bác Sĩ – M.D Howard C. Cutler] hỏi Ngài:
- Ngài có hạnh phúc không?
- Có.
Ngài trả lời. Ngài ngưng một chút và thêm:
- Có .. chắc chắn có.
Có một sự thành thực thanh thản trong giọng nói của Ngài để lại không chút nghi ngờ – một sự thành thực phản ảnh ở vẻ mặt và trong ánh mắt của Ngài.
- Nhưng có phải hạnh phúc là mục tiêu hợp lý cho hầu hết tất cả chúng ta không?
Tôi hỏi.
- Có thể thực sự có được không?
- Được. Tôi tin là hạnh phúc có thể đạt được do sự huấn luyện tâm [mind].
Ở mức độ sơ đẳng con người, tôi không thể không trả lời về khái niệm về hạnh phúc là một mục tiêu có thể đạt được. Tuy nhiên là một nhà chuyên gia tâm thần học, tôi gánh nặng những khái niệm như niềm tin của Sigmund Freud là: "Ta cảm thấy muốn nói rằng cái ý định con người phải được 'hạnh phúc' không được bao gồm trong ý định của Đấng Sáng Tạo."
Kiểu dạy dỗ này đã dẫn nhiều người trong nghề nghiệp của tôi [bác sĩ tâm lý – bác sĩ tâm thần] tới kết luận tàn nhẫn trong đó kết luận tàn nhẫn nhất mà người ta hy vọng là “sự biến cái đau khổ cuồng loạn thành sự bất hạnh chung".
Từ quan điểm này, đòi hỏi có một con đường đã được định rõ đưa tới hạnh phúc dường như là một khái niệm hết sức cơ bản. Khi tôi nhìn lại những năm tháng được đào tạo về ngành tâm thần học, tôi có thể nhớ lại là rất hiếm nghe thấy từ "hạnh phúc" cả khi đề cập về mục tiêu chữa bệnh. Đương nhiên có nhiều những bài nói về cách giảm bớt những triệu chứng thất vọng hay lo lắng của bệnh nhân, giải quyết những mâu thuẫn nội tâm hay những vấn đề quan hệ, nhưng không bao giờ bày tỏ rõ ràng mục tiêu tiến tới hạnh phúc.
Ở phương Tây, quan niệm đạt hạnh phúc thực sự dường như luôn luôn không được rõ ràng, khó nắm bắt và không thể hiểu được. Ngay cả chữ "hạnh phúc" có nguồn gốc từ tiếng Băng Đảo – Iceland "happ", có nghĩa là vận đỏ hay cơ may mắn. Hầu hết chúng ta, dường như, chia sẻ quan niệm về bản chất huyền bí của hạnh phúc. Vào những lúc vui sướng mà cuộc sống đem lại, hạnh phúc hình như giống cái gì đó đến bất ngờ. Đối với tâm trí phương Tây của tôi, có vẻ không có loại công việc mà ta có thể phát triển, và duy trì, chỉ bằng cách rèn luyện tâm.
Khi tôi đưa ra lời phản đối, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích ngay:
- Khi tôi nói 'huấn luyện tâm'; trên phương diện ấy, tôi không có nói là "tâm" chỉ là khả năng nhận thức của trí tuệ người ta. Đúng hơn là, tôi dùng thuật ngữ đó theo nghĩa tiếng Tây Tạng "Sem", nó có một ý nghĩa rộng hơn nhiều, gần với 'tâm thần" hay 'tinh thần' hơn, nó bao gồm cả trí tuệ và cảm xúc, con tim và khối óc. Bằng một số kỷ luật tinh thần chúng ta có thể làm thay đổi thái độ, lối nhìn, và phương pháp sống của chúng ta. Khi chúng ta nói về kỷ luật tinh thần, đương nhiên, liên can đến nhiều thứ, nhiều phương pháp. Nhưng nói chung, ta bắt đầu nhận diện những yếu tố dẫn đến hạnh phúc và những yếu tố dẫn đến khổ đau. Làm như vậy, ta có thể dần dần tiến đến loại bỏ các yếu tố dẫn đến khổ đau và vun đắp các yếu tố dẫn đến hạnh phúc. Phương pháp này là thế.

Monday, October 20, 2014

INTELLECTUAL - NGƯỜI TRÍ THỨC

Người trí thức - Intellectual có 3 đặc điểm:

1. Khai sáng - Enlightening; Enlightenment.

2. Phê phán, phản biện - Criticizing.

3. Dấn thân.

ĐẶT TÊN 3 LOẠI TRÍ THỨC

Tác giả: GS Nguyễn Văn Tuấn.

Đọc trên blog Quê Choa có bài phân tích rất thú vị của Nhà thơ Thạch Quỳ về trí thức [1]. Theo Nhà thơ, ở Việt Nam có 3 loại trí thức: loại 1 là những người có tư duy phản biện, dứt khoát chống lại cái ác và gian dối; loại 2 là những người chỉ muốn giữ mình, an phận, im lặng trước những cái ác; và loại 3 là những kẻ a dua theo cường quyền, sẵn sàng phục vụ bộ máy đàn áp và tham gia vào những cái ác. Cách phân chia này xem ra rất sát với tình hình thực tế. Tôi có thể hình dung vài người cụ thể cho từng nhóm.

Tôi [GS Nguyễn Văn Tuấn] quen nhiều bạn bè ở Việt Nam, trong và ngoài chính quyền. Trong trò chuyện cá nhân, ai cũng trăn trở trước hiện tình đất nước, nhưng họ chọn thái độ khác nhau. Phần đông là im lặng. Một anh bạn là giáo sư ngành nhi đã nghỉ hưu, rất điềm đạm và có suy nghĩ sâu, từng nói với tôi rằng chế độ nào cũng được, miễn là đem lại cơm no áo ấm cho dân là Okay. Có cái gì đó nguỵ biện và chưa đủ trong cái nhìn đó, nhưng bạn bè nên không cãi làm gì. Tôi cố nói đồng ý với anh, và hỏi lại: thế anh thấy ở Việt Nam mình đã thật sự có một chế độ như thế chưa. Anh im lặng.

Nhà thơ lý giải thêm rằng nước nào có nhiều trí thức loại 3 là nước đó "không có cương thường đạo lý, dùng cường quyền, dùng luật rừng để chém, giết, hiếp lẫn nhau, đưa xã hội về thời hồng hoang, trung cổ, dã man và hỗn loạn". Xem ra, một trong những nước đó chính là Việt Nam ngày nay. Như vậy suy ra, Việt Nam có nhiều lưu manh giả danh trí thức hay nhiều trí thức loại 3 hơn là trí thức loại 1?

Tôi liên tưởng đến sự phân bố của con số 24,000 tiến sĩ. Dĩ nhiên, ai cũng biết không phải có bằng tiến sĩ là tự động thành "trí thức", nhưng thôi thì cứ tạm cho họ cái nhãn "trí thức" cái đã. Trong số 24,000 này, chỉ có khoảng 9,000 là làm việc trong các đại học, phần lớn còn lại có lẽ làm việc trong các cơ quan của chính quyền và đảng, và một số thì nghỉ hưu. Như vậy có lẽ Nhà thơ Thạch Quỳ nói đúng: ở Việt Nam có nhiều trí thức loại 3.

===

[1] http://bolapquechoa.blogspot.com.au/…/…/tri-thuc-loai-3.html

[2] Một bạn đọc đặt tên cho 3 loại trí thức đó để dễ nhớ là: trí thức, trí ngủ, và lưu manh giả danh trí thức. Loại 3 thì thật ra không thể gọi là trí thức. Tôi thì nghĩ 3 loại trí thức đó có thể tương đương với 3 loại người trong cuốn phim nổi tiếng của Clint Eastwood: kẻ tốt [loại 1 – the good], kẻ xấu [loại 3 – the bad], và kẻ nhu nhược [loại 2 – the ugly].

GS Nguyễn Văn Tuấn có thể được xem là một bậc đại trí thức.

Stay above: quan điểm này có thể nói là một trong những giá trị cao quý của triết học Phật giáo, thoát khỏi tham - sân - si.

Tuesday, October 14, 2014

WHAT YOU SEE IS ALL THERE IS – BẠN CHỈ BIẾT ĐIỀU MÀ BẠN BIẾT

Bá Dương, trong quyển “Người Trung Quốc xấu xí” viết:

Trước lúc chết, Chúa Jesus bảo: “Hãy tha thứ cho họ, họ đã làm những điều mà họ không hề hiểu!”

Lúc trẻ, đọc câu này tôi cho rằng nó chỉ là một câu tầm thường.

Lớn lên rồi lại vẫn thấy nó không có gì ghê gớm cả.

Nhưng đến cái tuổi này rồi tôi mới phát hiện rằng nó rất thâm thúy, thật đau lòng thay!

Có khác nào người Trung Quốc sở dĩ trở thành xấu xí như ngày nay bởi chính vì họ không hề biết rằng mình xấu xí.

Giáo sư tâm lý học – Prof Daniel Kahneman, người đọat giải Nobel Kinh tế năm 2002, trong quyển “Thinking, Fast and Slow” – “Tư duy nhanh và chậm” viết:

What you see is all there is – WYSIATI.

Bạn chỉ biết điều mà bạn biết.

Trong một thời gian dài, các học giả đã gieo vào chúng ta một quan điểm là chúng ta – con người – như là những người đầy lý trí, quyết định một cách có tính toán cẩn thận.

Nhưng Daniel Kahneman và đồng nghiệp của ông là Amos Tversky chứng minh rằng quan điểm đó sai. Trong cuộc sống hàng ngày, kể cả đời sống kinh tế, chúng ta thường đi đến những quyết định một cách thiếu nhất quán, cảm tính, và chủ quan.

Bằng một văn phong đơn giản và dí dỏm, GS Daniel Kahneman dìu dắt chúng ta qua những thí nghiệm mà ông và đồng nghiệp Amos Tversky đã thực hiện từ thập niên 1970, và kết quả của những thí nghiệm đó được tích tụ thành một cuốn sách rất uyên bác, nhưng cũng rất dễ hiểu và giải trí.