Thursday, July 31, 2014

QUOTES – DANH NGÔN

Kiến thức và học vấn mà ta có, nhiều nhất, cũng chỉ là nhỏ bé, không đáng kể so với những điều chúng ta còn chưa hiểu biết (vô minh).

The learning and knowledge that we have, is, at the most, but little compared with that of which we are ignorant.

- Plato.

Only two things are infinite, the universe and human stupidity, and I'm not sure about the former.

Có hai thứ vô tận: vũ trụ và sự ngu dốt của con người nhưng tôi không chắc lắm về điều thứ nhất.
- Albert Einstein.

Mỗi một con người phải phấn đấu để có nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khổ; phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự ngu dốt; và phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự tầm thường. 

Đấy chính là ba cái nấc để mô tả lộ trình phấn đấu của con người. Có thể có người làm dần từng bước, có thể làm song song cả ba việc hoặc hai việc.

Đem thói kiêu căng khinh bạc mà đối xử với người quân tử thì làm mình thất đức.

Đem thói kiêu căng khinh bạc mà đối xử với kẻ tiểu nhân thì làm cho mình thiệt thân.

- Tuân Sinh.

Công thức cho sự kém hiểu biết chung thân là: Thỏa mãn với quan điểm của mình và hài lòng với tri thức của mình.

The recipe for perpetual ignorance is: Be satisfied with your opinions and content with your knowledge.

- Elbert Hubbard.

Không gì nguy hiểm hơn một bạn thiếu hiểu biết; tôi thà có kẻ thù khôn ngoan, thông minh.

Nothing is as dangerous as an ignorant friend; a wise enemy is to be preferred.

- La Fontaine.

Kiến thức ít ỏi, hạn hẹp, nông cạn là một điều nguy hiểm.

A little knowledge is a dangerous thing.

Meaning:

A small amount of knowledge can mislead people into thinking that they are more expert than they really are.

Cái ác trên thế gian hầu như thường đến từ sự ngu muội và ý tốt cũng có thể gây hại nhiều như ác ý nếu nó thiếu đi sự thấu hiểu.

The evil that is in the world almost always comes of ignorance, and good intentions may do as much harm as malevolence if they lack understanding.

- Albert Camus.

Sự kém hiểu biết (vô minh) không có gì đáng xấu hổ, chỉ có việc không chịu học hỏi mới đáng xấu hổ.

Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.

- Benjamin Franklin.

Sự kém hiểu biết (vô minh) sinh ra sự quả quyết hơn là tri thức; chính những người biết ít chứ không phải những người biết nhiều mới quả quyết, khẳng định vấn đề này hay vấn đề kia sẽ không bao giờ được khoa học giải đáp.

Ignorance more frequently begets confidence than does knowledge: it is those who know little, and not those who know much, who so positively assert that this or that problem will never be solved by science.

- Charles Darwin.

Lý lẽ tự phục tùng chính nó, còn kém hiểu biết (vô minh) thì phục tùng bất cứ thứ gì nó được ra lệnh.

Reason obeys itself; and ignorance submits to whatever is dictated to it.

- Thomas Paine.

Nhiều người không biết nhiều hơn những gì nằm ngoài tầm trải nghiệm nhỏ bé của mình. Họ nhìn vào trong mình - và chẳng tìm thấy gì cả! Vì thế họ kết luận rằng cũng chẳng có gì ở bên ngoài họ.

Many people know so little about what is beyond their short range of experience. They look within themselves - and find nothing! Therefore they conclude that there is nothing outside themselves either.

- Helen Keller.

Người có học biết mình kém hiểu biết.

The learned man knows that he is ignorant.

- Victor Hugo.


Tôi có ba chiếc ghế trong nhà mình; cái thứ nhất cho sự cô độc, cái thứ hai cho tình bạn, cái thứ ba cho xã hội.

I had three chairs in my house; one for solitude, two for friendship, three for society.

- Henry David Thoreau.

Một người bạn là người mà ta có thể trút ra tất cả trái tim mình, trái tim đầy trấu và sạn, biết rằng những bàn tay dịu dàng nhất sẽ cầm lấy nó và sàng lọc, giữ lại những gì đáng giữ và với hơi thở của lòng tốt, thổi đi tất cả những phần thừa.

A friend is one to whom one may pour out all the contents of one's heart, chaff and grain together, knowing that the gentlest of hands will take and sift it, keep what is worth keeping, and with a breath of kindness, blow the rest away.

- Khuyết danh.

Đôi khi tình bạn có nghĩa là làm chủ nghệ thuật xác định đúng thời điểm. Có thời điểm cho sự im lặng. Có thời điểm cần buông tay và để bạn mình lao vào vận mệnh của chính họ. Và có thời điểm để chuẩn bị nhặt lên những mảnh vỡ sau khi tất cả đã kết thúc.

Sometimes being a friend means mastering the art of timing. There is a time for silence. A time to let go and allow people to hurl themselves into their own destiny. And a time to prepare to pick up the pieces when it's all over.

- Khuyết danh.

Tình bạn tươi tốt bên suối nguồn tha thứ.

Friendship flourishes at the fountain of forgiveness.

- William Arthur Ward.

Không sự cách biệt về không gian hay thời gian nào có thể làm giảm đi tình bạn của những người thực tâm bị thuyết phục bởi những giá trị của nhau.

No distance of place or lapse of time can lessen the friendship of those who are thoroughly persuaded of each other's worth.

- Robert Southey.

Sự say mê tâm hồn làm nảy sinh tình bạn.

Sự say mê trí tuệ làm nảy sinh lòng kính trọng.

Sự say mê cơ thể làm nảy sinh lòng ham muốn.

Tình yêu là tổng hòa của ba sự say mê đó.

- Ngạn ngữ Ấn Độ.

Bạn bè có ích không chỉ bởi họ sẽ lắng nghe ta, mà còn bởi họ sẽ cười nhạo ta. Qua họ, chúng ta học được đôi chút khách quan, đôi chút khiêm tốn, đôi chút nhã nhặn. Chúng ta học được những nguyên tắc của cuộc đời và trở thành người chơi tốt hơn trong cuộc chơi.

Friends are helpful not only because they will listen to us, but because they will laugh at us; Through them we learn a little objectivity, a little modesty, a little courtesy; We learn the rules of life and become better players of the game.

- Will Durant.

Một trong những điều sung sướng của bạn cũ là bạn có thể ngu ngốc khi ở bên họ.

It is one of the blessings of old friends that you can afford to be stupid with them.

- Ralph Waldo Emerson.

Tình bạn nhân đôi niềm vui và chia sẻ nỗi buồn.

Friendship doubles your joys, and divides your sorrows.

- Khuyết danh.

Sách hay cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều.

Good books, like good friends, are few and chosen; the more select, the more enjoyable.

- Louisa May Alcott.

Wednesday, July 30, 2014

THERE IS REBIRTH – NOT HUMAN BEINGS' REBIRTH – CÓ SỰ TÁI SINH NHƯNG KHÔNG CÓ NGƯỜI TÁI SINH

Muốn hình dung về sự vật chất hóa hãy lấy một thí dụ của đời sống hàng ngày. Một cơn giận bỗng nhiên xâm chiếm ta và giả định động tác tự nhiên do cơn giận gây nên là ta đập mạnh tay lên bàn. Động tác đơn giản đó thật ra chứa đựng nhiều điều đáng chú ý.

Trước hết, cơn giận là một dạng tâm lý. Bất cứ dạng tâm lý nào, dù tốt, dù xấu hay trung tính cũng là một năng lượng và có mức độ mạnh yếu của nó. Một năng lượng tâm lý khi đủ điều kiện về mức độ và có đủ điều kiện ngoại cảnh cho phép thì nó được vật chất hóa, được biến thành một vật thể hay biến cố có thể thấy được, cảm nhận bằng  giác quan được. Năng lượng tâm lý ở đây là cơn giận và biến cố nọ là cử chỉ đập bàn.

Nguyên lý giản đơn  này thực ra là cơ chế của tất cả đời sống của chúng ta. Năng lượng tâm lý ẩn chứa trong cái giận, cái sợ nhưng cũng nằm trong tất cả mọi dạng tâm lý khác như sự quyết tâm, lòng ham muốn, tình yêu thương, một kế hoạch, một tưởng tượng, một hình ảnh... Đặc tính của nó là một khi đầy đủ điều kiện – mà thuật ngữ gọi là “nhân duyên” – thì nó sinh ra một thân vật chất, thân đó có thể là sự đập bàn, một lời nguyền rủa, một cử chỉ hy sinh, một lá thư đầy xúc cảm, một hành động xả thân, một tác phẩm nghệ thuật... Cái chung nhất của toàn bộ các ngành nghệ thuật chính là cơ chế biến những năng lực tâm lý nội thức thành những tác phẩm có thể thấy được, đọc được, nghe được, cảm nhận được...Nói chung là đối tượng của sáu giác quan, của sáu thức đầu tiên. Sức mạnh tâm lý đó được gọi là “Nghiệp” hay “Nghiệp lực”.

 “Nghiệp lực” có thể thiện hay bất thiện, có thể phát ra và kéo dài rất ngắn ngủi trong vài giây đồng hồ nhưng có thể ấp ủ nó rất lâu và tác động qua tháng năm, thậm chí cả đời người. Ý muốn viết một cái thư là trước hết phải có, nhưng điều kiện bên ngoài là giấy, mực và thời gian phải đầy đủ thì là thư mới thành hình. Có những năng lực rất mạnh, đã sẵn sàng tác động, nhưng điều  kiện bên ngoài chưa đến thì nó phải đợi, có khi không bao giờ tới. Những điều này rất hay xảy ra trong đời sống thường ngày. Thí dụ có người đợi lúc về hưu mới thực hiện được một ước vọng sâu xa của mình như thăm viếng một nơi nào đó, học hỏi một khả năng nào đó...

Theo cách nhìn trên thì tất cả hoạt động hường ngày của con người chính là tác động các loại Nghiệp lớn bé của nó. Bất cứ những gì nó làm cũng xuất phát từ một cái ý cái tâm. Do đó Kinh Pháp Cú viết: “Tâm dẫn đầu các pháp”. Và bất cứ những gì người đó nói hay làm cũng có thể được xem là một thân đã được tạo tác. Thế nên, “Tạo tác thành thân” thật ra là một điều mà con người thực hiện hàng ngày, dù người đó có ý thức điều mà con người thực hiện hàng ngày, dù người đó có ý thức điều đó hay không. Thực tế là con người liên tục tạo tác thành thân, thường xuyên vật chất hóa năng lực tâm lý của mình trong đời sống thông thường.

Thiết tưởng những điều nói trên không có gì khó hiểu lắm, dù cách dùng chữ có thể hơi lạ đối với độc giả. Thế nhưng, sau đây là khẳng định của (triết học) Phật giáo và nó sẽ là điều làm nhiều người khó chấp nhận: toàn bộ khả năng, ước vọng, say mê, kinh nghiệm, kiến thức... tất cả năng lực tâm lý của con người trên bình diện ý thức và vô thức – điều mà đạo Phật gọi chung là Nghiệp lực – là còn tồn tại sau khi chết. Và quan trọng nhất, Nghiệp lực đó cũng theo đúng cơ chế như đã nói trên, là nó tìm cơ hội để tái sinh, để tạo tác một cái thân, để vật chất hóa, khi các điều kiện bên ngoài cho phép. Sau khi chết, cá thể đó không còn thân, chỉ còn Thức và Thức này chính là yếu tố thứ ba trong thuyết mười hai nhân duyên (Duyên Khởi) mà Đức Phật đã nói đến.

Điều kiện bên ngoài ở đây chính là tinh cha huyết mẹ, cơ sở vật chất của bào thai. “Cha mẹ giao hợp với nhau và người mẹ đã đến thời, nhưng nếu không có một thức sẵn sàng gia nhập thì không có thai nhi.” Đạo Phật cho rằng giữa cha mẹ và con cái hẳn phải có một mối quan hệ nghiệp lực rất mạnh, giữa cái “nhân” (là Thức) và “duyên” (là quan hệ tính dục của cha mẹ) phải có sự ăn khớp với nhau thì một thân mới, một đời sống mới được phát sinh.

 “Này A Nan! Ta đã nói, có Thức mới có Danh Sắc. Nói như thế tức là: nếu Thức không lọt vào lòng mẹ, thì trong bụng người mẹ đó có Danh Sắc sinh ra chăng?” “Bạch Thế Tôn, không!”

Nơi đây ta có thể hiểu “Thức” là A-lại-da thức (Tàng thức) và Mạt-na thức (Tình thức). Trong tám thức thì chỉ hai loại thức này là có tính chất “thường hằng”, liên tục, siêu việt trên sự sống chết. Sau khi một bào thai hình thành thì sáu thức (Lục căn) còn lại mới bắt đầu phát triển và cảm nhận một thế giới mới. Thế nên gốc của sinh tử, của sự tái sinh chính là thức thứ bảy (Mạt-na thức) và thức thứ tám (Tàng thức).  Giữa hai thức thì thức A-lại-da là cơ bản, đó là nơi tàng chứa mọi tập khí, ý niệm, khả năng... nói chung là nghiệp lực của một dòng tâm thức có tính cá thể mà ta gọi là “hữu tình”.

Dòng tâm thức đó cứ ở trong một vòng tròn của sống chết vô tận, kinh nghiệm của nó ngày càng phong phú, càng tinh tế, càng sâu sắc. Thế nhưng dù nó có chứng nghiệm được nhiều mặt của đời sống bao nhiêu đi nữa, nó vẫn nằm trong vòng sinh tử cho đến lúc nó tự tỉnh ngộ về bản thân mình. Đó là trực ngộ một cách sâu sắc và quán triệt, rằng toàn bộ thế giới khách quan và chủ quan, ngoại cảnh hay bản thân, chẳng qua là do tự tính của mình biến hiện ra. Lúc đó thì A-lại-da thức không còn bị “ô nhiễm”, nó biến thành trí mà thuật ngữ gọi là “đại viên cảnh trí”.

A-lại-da thức nên được hình dung như thế nào? Chỉ có một hay nhiều A-lại-da thức? Trong “Luận Thành Duy thức”, Tổ Thế Thân nói: “... nếu chỉ có thức của một loài người thì làm sao có mười phương phàm thánh, tôn ti nhân quả khác nhau? Ai nói cho ai? Pháp gì cầu gì... Nói Thức là tổng quát chỉ rõ hết thảy hữu tình, mỗi mỗi đều có tám thức...” Tổ Thế Thân thừa nhận có vô số “dòng tâm thức” có tính cá thể.

Thế nhưng mối liên hệ giữa cá thể và tính toàn thể là gì? Hình ảnh dễ chấp nhận nhất là A-lại-da thức là như những đợt sóng nhấp nhô trong một biển Thức. Mỗi cá thể có một “lịch sử” riêng của nó, mỗi cá thể tác động lên tất cả các cá thể khác và ngược lại bị tất cả ảnh hưởng lại. Sự tác động qua lại của các cá thể xảy ra trên mọi bình diện của thức, từ những bình diện được ý thức như sáu thức đầu tiên đến các bình diện thuộc thức thứ bảy (Mạt-na thức – Tình thức) và thức thứ tám (A-lại-da thức (Alaya) – Tàng thức). Chúng tác động lẫn nhau trong mọi chiều hướng, mọi mức độ, trong một cách mà kinh Hoa Nghiêm gọi là “trùng trùng duyên khởi”. Những đợt sóng đó, tuy nhiên nằm chung trong một biển “Pháp giới” mà chất của nó là một. Như sóng thì muôn vàn khác nhau nhưng chất của nó là một. Như sóng thì muôn vàn khác nhau nhưng chất của nó là nước.

Chúng ta đã nói đến tính giả hợp, tính “vô ngã” của con người. Nay mỗi “hữu tình” – “sentimental being”, mỗi sinh vật đều có tính cá thể, có lịch sử riêng. Phải hiểu thế nào về mối liên hệ giữa tính cá thể và tính vô ngã? Tại sao có sự riêng tư nhưng lại không có một “linh hồn” riêng ư? Đây là một luận đề khó nhất trong đạo Phật, nó trả lời câu hỏi “ai đi tái sinh”, một câu hỏi mà mọi người đều nêu lên. Hãy trở lại thí dụ ban đầu – cơn giận và hành động đập bàn – ta hãy xem thử có ai làm chủ hành động đó không. Khi cơn giận nổi lên, có ai đứng nhìn cơn giận và ra lệnh cho tay đập bàn không? Có ai thẩm định xem cơn giận đã tới mức chưa, đã đáng để đập bàn không? Ta phải trả lời là không có ai cả. Năng lực của cơn giận đã thúc đẩy để có một động tác đập bàn. Cái này có thì cái kia có. Cái này thúc đẩy cái kia như một trái bi-da (billard) đụng một trái khác và làm trái thứ hai lăn đi.

Giả định sau hành động đập bàn, người đó tự thấy mình bất nhã và thốt ra một lời xin lỗi. Động tác xin lỗi lại là trái bi-da (billard) thứ ba được thúc đẩy bởi trái thứ hai. Ba trạng thái – cơn giận, hành động đập bàn, lời xin lỗi – đều liên tiếp thành hình, cái này sau cái kia, cái trước là nguyên nhân của cái sau. Giáo lý vô ngã của đạo Phật nói rằng, con người chỉ đơn thuần gồm một chuỗi những cảm xúc, tư duy, hành động, cảm xúc, tư duy... nhưng không có một chủ thể đứng trên hay đứng sau làm chủ cho chúng. Không có ai “xuyên suốt” những trạng thái đó cả. Những trạng thái nói trên chỉ như những bóng đèn, chiếc này bật sáng sau chiếc kia, và người xem sẽ có cảm tưởng dường như có một luồng ánh sáng chạy xuyên qua các bóng đèn. Tưởng có một cái Tôi là sự nhầm lẫn đó, nhầm lẫn cho rằng có một cái gì đi xuyên qua các trạng thái tâm lý và những hành động của con người.

Động lực làm cho sau một trạng thái này có một trạng thái khác sinh ra chính là Nghiệp lực, là năng lực tạo tác. Trong một Nghiệp lực lớn (thí dụ để sinh ra cả một cuộc đời) thì có những Nghiệp lực nhỏ (để sinh ra những hành động hàng ngày). Thế nhưng nếu chúng ta có thể hiểu được tác động của những Nghiệp lực nhỏ, trong đời sống hàng ngày, giữa ngày hôm trước và ngày hôm sau thì không mấy ai trong chúng ta hiểu được Nghiệp lực tạo tác ra cả một đời. Vì sao? Lý do đơn giản là chúng ta không thể nhớ được đời sống trước như chúng ta nhớ những gì mình làm ngày hôm qua.

Con người chúng ta chỉ nhớ được hoạt động của sáu thức đầu tiên, phần lớn không biết đến thức thứ bảy (Mạt-na thức – Tình thức) và thức thứ tám (A-lại-da-thức – Tàng thức). Trong khi đó thì Mạt-na thức và A-lại-da-thức là nguyên nhân, là tác giả của Nghiệp lực lớn, của cả cuộc đời. Vì không hiểu hai thức đó nên phần lớn ta không tin có sự tái sinh, phủ nhận sự tái sinh. Thế nhưng cơ chế của sự tái sinh, cơ chế tạo tác của hai thức Mạt-na thức và A-lại-da-thức hoàn toàn không khác với sáu thức đầu tiên. Vì vậy, cơ chế về sự liên tục của Nghiệp đời trước và tác động lên đời sau cũng như tác động của ngày hôm trước qua ngày hôm sau. Ngày hôm trước ta uống rượu, ngày hôm sau ra nhức đầu, đó là điều dễ hiểu. Thế nhưng có kẻ trong đời này hay bị bệnh tật, người luôn gặp may, hay có người có những khả năng phi thường... thì được xem là những sự tình cờ. Đó là do ta phủ nhận cơ chế tái sinh.

Nếu không có ai đi suốt qua cơn giận, hành động đập bàn, lời xin lỗi... thì cũng thế, không có ai đi từ đời sống trước qua đời sống sau. Có cơn giận nhưng không có người giận giữ. Tương tự như vậy, có sự tái sinh nhưng không có người tái sinh. Đó là kết luận về “nhân vô ngã” khi nói về sự tái sinh trong đạo Phật.

Trích “Lưới trời ai dệt” – TS Nguyễn Tường Bách.

Tuesday, July 29, 2014

BODHISATTVA – BỒ TÁT


Khi nói đến Bồ Tát, chúng ta có thể sẽ  nghĩ đến Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Đại Thế Chí...

Vậy Bồ Tát là gì?

1. Một vị Bồ Tát có ba đặc điểm nổi bật là:

a. Trong bản chất hiện hữu của mình, vị Bồ Tát luôn khao khát đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn (toàn giác)  như Đức Phật mà theo quan điểm này có nghĩa là bậc Nhất thiết trí, nghĩa là thấu biết tất cả mọi việc trong suốt mọi thời gian với hết thảy mọi chi tiết và khía cạnh khác nhau của chúng.

b. Vị Bồ Tát có đủ hai diệu lực là từ bi và trí huệ với mức độ như nhau. Nhờ lòng từ bi, Ngài quên bản thân mình mà hoãn lại việc tịch diệt Niết Bàn để cứu giúp chúng sinh – con người đang đau khổ. Nhờ trí huệ, Ngài nỗ lực đạt đến sự nhận biết trong bản tâm về tánh Không (Emptiness) của vạn vật. Và Ngài luôn giữ vững tấm lòng từ bi kiên định với tất cả chúng sinh – con người cho dù với trí huệ Ngài thấy rõ rằng chúng sinh, con người và những nỗi thống khổ của họ đều là ảo mộng.

c. Mặc dù chú tâm hướng đến sự thuần khiết, vị Bồ Tát vẫn duy trì mối quan hệ với những người bình thường và có cùng những cảm xúc rung động như họ. Tuy nhiên, những cảm xúc này không hề gây ảnh hưởng hay làm vẩn đục tâm trí Ngài.

2. Lòng từ bi của một vị Bồ Tát được gọi xem là “vĩ đại”. Vì lòng từ bi ấy là vô hạn và không phân biệt. Vị Bồ Tát quyết tâm trở thành người cứu độ tất cả chúng sinh, con người cho dù là giá trị của chúng sinh, con người ấy như thế nào hoặc có đòi hỏi đến sự chú ý của Ngài hay không. 

Thời kỳ đầu chỉ hoàn toàn nấn mạnh vào trí huệ của các vị thánh nhưng giờ đây tâm nguyện vị tha mong muốn mang lại hạnh phúc cho người khác được cho là cũng có giá trị tương đương như trí huệ. Giác ngộ là sự hiểu biết tường tận và hoàn toàn về bản chất và ý nghĩa của đời sống, về những sức mạnh chi phối tạo thành đời sống, về phương pháp để chấm dứt đời sống và về thực tại hiện hữu vượt trên đời sống. 

Những người Đại Thừa đồng ý rằng sự giác ngộ không tự nó đưa đến tâm nguyện cứu độ chúng sinh. Họ phân biệt có ba bậc giải thoát: 2 bậc thuộc về tự lợi và một bậc là lợi tha. Bậc giải thoát tự lợi là những vị A La Hán và Bích Chi Phật, được xem như đại diện cho quan điểm của Tiểu Thừa, cho loại "cỗ xe nhỏ". Họ được mô tả như là thờ ơ trước những mối lo nghĩ của thế gian và chú tâm trước hết đến sự giải thoát của chính mình. Bậc giải thoát lợi tha là các vị Phật và sự theo đuổi con đường lợi tha của một vị Bồ Tát để đạt đến giác ngộ được gọi là Phật thừa hay Đại thừa.

Vị Bồ Tát phải là một người kiên nhẫn. Vị này muốn thành Phật nhưng khoảng cách giữa ngài với sự toàn hảo, siêu việt của Đức Phật – người hiểu biết và là hiện thân của tất cả – là vô tận. Không thể nào vượt qua được khoảng cách ấy trong một đời sống này. Phải cần đến thời gian kéo dài và vị Bồ Tát phải chuẩn bị tinh thần để vượt qua thời gian ấy trước khi đạt được mục đích. Tuy vậy, sự ngăn cách giữa vị Bồ Tát với quả Phật lại chỉ là một sự ngăn ngại nhỏ. Đó là sự vướng mắc vào tự ngã, tự cho mình là một cá nhân riêng biệt và giữ lấy khuynh hướng cố hữu về các khái niệm "tôi làm", "của tôi làm".... Thoát được chính mình là nhiệm vụ trên hết của một vị Bồ Tát. 

Bằng vào hai phương pháp, Bồ Tát có thể loại trừ được sự chấp ngã của chính mình. 

Thứ nhất là, về mặt hành động, Người hy sinh chính mình và phục vụ với lòng vị tha. 

Thứ hai là, về mặt nhận thức, người quán xét nội tâm về sự không hiện hữu khách quan của tự ngã.
Phương pháp thứ nhất là do lòng từ bi của Người và phương pháp thứ hai là do trí huệ, được định nghĩa như là khả năng thâm nhập vào thực tại chân thật, vào tự tánh của sự vật, vào sự hiện hữu trong tự thân của sự vật. Sự hành động và nhận thức được tin là phải đi đôi với nhau mới có thể mang lại được những thành quả tâm linh.

Sự nhất quán giữa từ bi và trí huệ được thể hiện bởi sáu phép tu hoàn thiện hay sáu Ba La Mật, tức là sáu "phương pháp có thể giúp vượt qua được bờ bên kia" – "đáo bỉ ngạn". 

Một người bình thường trở thành Bồ Tát khi người ấy lần đầu tiên phát nguyện sẽ đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn vì lợi ích của tất cả chúng sinh, con người. Sau khi phát nguyện, từ đó cho đến khi đạt được quả Phật, vị Bồ Tát dành trọn tâm lực trải qua vô số kiếp để thực hành sáu Ba La Mật. Điều này quan trọng đến mức Đại thừa thường tự ví mình là "Lục độ thừa". Và Lục độ, hay sáu Ba La Mật ấy là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.


Trích trong “A Short History of Buddhism” – “Lược sử Phật giáo”, tác giả: Edward Conze.

INTELLECTUALS – TRÍ THỨC

"Giới trí thức có trách nhiệm nói lên sự thật và phơi bày sự giả dối."


  Noam Chomsky, 1967.

Trí thức là ai?

Tác giả: Hanh Tran (Trần Hữu Hạnh).

Theo nghĩa rộng nhất, giới trí thức là những ai dùng trí thông minh và kiến thức trong công việc của họ. Họ áp dụng khả năng này trong tất cả mọi lãnh vực trong một quốc gia – xã hội, kinh tế, khoa học, chính trị, nghệ thuật, v.v... Họ còn là những người có khả năng nghiên cứu, phân tích sự kiện, bàn luận và đưa ra những phương sách hay nguyên tắc để áp dụng vào đời sống.

Theo tư duy hiện đại, giới trí thức được phân thành 3 loại: công hoạt, tư hoạt và lưỡng hoạt.

1. Trí thức công hoạt (TCCH – public intellectuals) điển hình là những giáo sư – những người truyền bá kiến thức cho học sinh và hướng dẫn họ học hỏi. TCCH còn tham gia những diễn đàn trên mạng truyền thông, viết sách, diễn thuyết, v.v... để bàn luận và chia sẻ những thông tin và tư duy mới, nhưng không chỉ giới hạn trong lãnh vực chuyên môn của họ và không chỉ với chuyên gia như họ. Họ có thể bày tỏ ý kiến với tư cách là người biết nghiên cứu và suy nghĩ đúng đắn.

2. Trí thức tư hoạt (TTTH – private intellectuals) là những người hoạt động như TCCH nhưng với mục đích làm lợi cho công ty, tập đoàn hay chủ nhân của họ.

3. Trí thức lưỡng hoạt (TTLH – dual intellectuals) là những trí thức có kinh nghiệm làm việc như TTCH và TTTH. Đây là thành phần có nhiều ảnh hưởng nhất trong đời sống trí thức của một nước vì họ vừa có kiến thức phong phú của chuyên gia và vừa có kinh nghiệm sử dụng quyền lực của chính phủ.

Cũng như trong mọi thành phần của xã hội, giới trí thức cũng được chia thành nhiều phe – từ bảo thủ đến cải cách.

Giới trí thức có những trách nhiệm nào?

Dù là trí thức loại nào hay thuộc phe nào, nhìn chung giới trí thức có những trách nhiệm như nhau:

1. Thi hành nghiên cứu và làm việc một cách trung thực và khách quan.

2. Tạo quyền lực cho dân chúng qua công tác khai trí, giải thích về tác động của chính sách nhà nước đối với đời sống của họ.

3. Góp phần giải quyết những khó khăn trong xã hội, tạo môt xã hội đoàn kết và hoà đồng.

4. Giúp xã hội xoá tan những thói tật, thành kiến và tư duy hủ lậu.

5. Giáo dục một thế hệ trẻ để có tinh thần sáng tạo, tư duy độc lập và vượt mốc tiến bộ của thế hệ đi trước.

6. Lắng nghe quần chúng, kể cả những tiếng nói chỉ trích từ mọi phía để cải thiện và định hướng công việc của mình.

7. Đóng góp vào việc cải thiện xã hội và guồng máy chính phủ.

8. Bênh vực công lý, phơi bày giả dối, phản đối bạo quyền và lạm quyền bất kể nguồn gốc.

Trong thời buổi toàn cầu hoá, trách nhiệm của giới trí thức còn vượt giới hạn quốc gia. Có thể nói, họ có trách nhiệm với cả nhân loại.

THE MEANING OF EATING VEGETARIAN DIET – Ý NGHĨA CỦA ĂN CHAY


Ý nghĩa của hành động ăn chay là gì?

Một số thí dụ cụ thể cho mỗi trường hợp :

1. THÍ DỤ THỨ NHẤT:

Một số người chỉ ăn chay khi nào có nhu cầu mà thôi. Chẳng hạn như khi có con sắp đi thi thì người ấy cầu khẩn chư Phật (các vị Phật) một cách hết sức thành tâm và kính cẩn, xin cho con mình thi đậu và nguyện là nếu đứa con thi đậu thì họ sẽ ăn chay ba tháng. Sau đó đứa con thi đậu thật và người này ăn chay ba tháng. Trong trường hợp này thì ý nghĩa của việc ăn chay nằm ở chỗ nào? Chẳng những hành động ấy không có một chút gì gọi là đạo Pháp – Phật Pháp mà đúng hơn chỉ là một sự mua bán và mặc cả với chư Phật mà thôi. Người có niềm tin vào (triết học) Phật giáo phải hiểu rằng đứa nhỏ thi đậu hay thi rớt là do nơi trí thông minh và sự cố gắng của nó…tức là những gì liên hệ mật thiết và trước hết với nghiệp của chính nó, dù rằng xuyên qua hiện tượng tương liên thì nghiệp của nó cũng ít nhiều liên hệ với nghiệp của chính mình nhưng đấy chỉ là những hậu quả thứ yếu. Hành động quyết tâm ăn chay ba tháng của một người khác, tức là cha mẹ là một việc hoàn toàn không bắt buộc phải liên hệ trực tiếp với việc thi đậu của đứa con.

Câu chuyện nguyện ước trên đây còn có thể xoay chuyển tệ hại hơn. Trong trường hợp đứa nhỏ thi rớt thì người này lại có thể trách chư Phật đã bất lực và vô tình trước sự cầu khẩn chân thành của họ. Hoặc câu chuyện có thể lại biến chuyển theo một chiều hướng khác nữa. Chẳng hạn đứa nhỏ thi đậu và người nguyện ước bắt đầu ăn chay nhưng chỉ sau một tháng thì chịu hết nổi, vừa ăn chay vừa đếm từng ngày chờ cho đủ ba tháng sẽ mua tất cả những gì mình thèm để ăn cho thoả thích. Vừa đếm từng ngày lại vừa hối tiếc đã ra giá quá cao với chư Phật, và nghĩ rằng con mình dù sao cũng học giỏi, phải chi ra giá một tháng ăn chay thì nó cũng dư sức thi đậu! Hoặc cảnh huống cũng có thể biến chuyển tệ hại hơn như thế nữa tức là sau khi ăn chay được một tháng thì người này không còn chịu đựng được nữa, bèn thắp hương xin tạ lỗi với chư Phật để ngưng ăn chay, tự nhủ rằng dù sao đứa nhỏ cũng đã thi đậu rồi!

Qua những thí dụ trên đây thì việc ăn chay chẳng những không có gì gọi là (triết học) Phật Giáo cả mà lại còn là một cực hình. Chư Phật luôn thương xót chúng sinh và không bao giờ bày ra những thứ cực hình như thế. Đấy là vô minh đã kích động ta và xúi dục ta tự chọn lấy sự đau khổ cho chính mình mà thôi.

Thật sự thì màn vô minh (ignorance) hiển hiện ở mọi thể dạng. Chẳng hạn như dù cho người ăn chay xem lời nguyện của mình là một việc phấn khởi đi nữa thì họ sẽ ăn chay với lòng hân hoan để trả nợ chư Phật và để giữ trọn lời hứa của mình. Sau ba tháng người này thấy nhẹ nhõm và sung sướng. Cái nhẹ nhõm đó, cái sung sướng đó là do nơi tâm thức tạo ra để lừa phỉnh ta, đó là cái sung sướng phù du, vô nghĩa và sai lầm. Tóm lại và nói một cách khác thì tất cả những thứ "cảm thọ" ấy, dù đấy là "khổ thọ" hay "lạc thọ", thì cũng đều do vô minh tạo ra cho ta mà thôi, hoàn toàn không có ý nghĩa gì trên phương diện đạo Pháp cả.

2. THÍ DỤ THỨ HAI:

Trường hợp xảy ra đối với hai người ăn chay đúng theo tinh thần Phật giáo, tức là ăn chay rất nghiêm túc mỗi tháng hai lần vào ngày Rằm và ngày mùng 1: một người bán cá và một người đi chợ mua cá.

Người bán cá ở chợ đang chặt đầu ếch lột da và ném vào một cái thau cạnh bên. Người mua bước đến chọn một con cá lóc. Người bán vẫn tiếp tục chặt đầu ếch và ra giá. Ngã giá xong, người bán cân cá và sau đó nắm lấy đầu cá, hai ngón tay luồn vào hai mang cá để giữ con cá cho thật chặt và sau đó lấy một khúc cây đập lên đầu cá nhiều lần thật mạnh, con cá giẫy giụa, tiếp theo người bán cá vừa cầm dao gọt da và vẩy cá, vừa hàn huyên với người mua. Con cá chưa chết hẳn, khi gọt da, nó lại dẫy dụa, cơ quan xúc giác của cá tập trung vào hai đường dài dọc theo hai bên lườn của thân cá, khi lưỡi dao cắt vào đấy sẽ làm đau đớn lắm. Vì con cá vẫn còn dẫy dụa, người bán cá không gọt vẩy được lại phải cầm khúc cây đập thêm vài cái nữa vào đầu nó. Gọt vây xong, người bán cá chặt bỏ hai mang cá, chặt đuôi, chặt vây, chặt mõm cá gần tới vị trí của hai mắt, lưỡi cá lòi ra khỏi miệng, sau đó bỏ cá vào một cái bao và đưa cho người mua. Trong khi chờ người mua đếm tiền thì người bán lại tiếp tục chặt đầu ếch. Trong thau, những con ếch mất đầu và bị lột da vẫn co giật vì hệ thống thần kinh của ếch không tập trung hết ở não mà còn phát triển dọc theo tủy xương sống để giúp vào việc điều hợp cử động của tứ chi được hiệu quả hơn.

Ăn chay để phát lộ lòng từ bi nhưng trước cảnh những con vật đang bị hành hạ và chịu đau đớn mà cả người mua lẫn kẻ bán không hề tỏ lộ một chút xúc cảm nào cả. Chẳng qua cũng chỉ vì những hình ảnh đó đã trở nên quá quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày khiến họ không còn nhìn thấy những đau đớn mà các sinh vật phải gánh chịu. Vì cuộc sống, nếu bắt buộc phải bán và phải mua, thì ít ra ta cũng giữ yên lặng để nhìn thấy cái khổ đau và chịu đựng của những sinh vật đang bị hành hạ trước mắt ta, đấy là thái độ tối thiểu của một người tu Phật. Ăn chay đối với hai người vừa kể trên đây không có một ảnh hưởng gì trong thái độ và hành vi của họ. Vô minh đã che lấp tâm thức họ mất rồi. Vô minh trong trường hợp này phát sinh từ thói quen, vô tâm và những hiểu biết quy ước không suy xét, từ giáo dục và lối sống trong xã hội mà họ đã hấp thụ từ nhỏ. Để phá vỡ thứ vô minh này ta phải tỉnh thức, quán xét và phân tích những hiện tượng chung quanh ta. Tóm lại hành vi ăn chay của hai người vừa kể trên đây, tuy rằng có phần nào chân thật, nhưng không có một ý nghĩa gì về Phật giáo, hay ít ra cũng không có một lợi ích gì cho họ cả. Có thể xem đấy như là một thứ "cảm thọ" trung hoà, tức "xả thọ" hay "vô cảm".

3. THÍ DỤ THỨ BA:

Đây là trường hợp những người biết giữ giới, ăn chay trường theo tinh thần (triết học) Phật giáo, chẳng hạn như tăng đoàn nơi chùa chiền và một số cư sĩ tại gia. Ăn chay đối với họ là một việc tự nhiên. Ăn chay trường giúp cho họ không suy nghĩ gì và không thắc mắc gì nữa về sự chọn lựa món ăn, không tìm cách ăn ngon, không lo nghĩ tìm kiếm nhà hàng nào có món ăn đặc biệt, các món đặc sản để thưởng thức…Kinh sách Bắc Tông thường đưa ra hình ảnh sau đây: một người Bồ Tát không thể nghĩ đến việc ăn thịt một sinh vật, cũng như một người mẹ không thể nào nghĩ đến việc ăn thịt đứa con do chính mình sinh ra. Ý nghĩ ăn thịt thoát ra ngoài tâm thức của họ, nói một cách khác tâm thức của họ đã được giải thoát khỏi một phần nào đó những vướng mắc trùng trùng điệp điệp của thế gian này.

Những người ăn chay trong trường hợp thứ 3 trước hết có mục đích giữ giới, sau đó là vì lòng từ bi. Phải giữ giới vì Phật đã dạy như sau trong Lăng già kinh (Lankavatara-sutra): "Không đúng khi cho rằng hợp lý và có quyền ăn thịt một con vật không phải do chính ta [là một người tu hành] đứng ra giết nó, hay không phải do chính ta sai kẻ khác giết nó (…). Có thể rồi sau này cũng có người (…) dưới ảnh hưởng của sự ham thích ăn thịt sẽ dựng lên hàng loạt những luận chứng phức tạp để bào chữa cho hành vi ăn uống của mình (…), ăn thịt dù dưới hình thức nào, bằng cách thức nào hay bất cứ nơi nào, dứt khoát phải tuyệt đối cấm đoán, không có một ngoại lệ nào cả (…). Ta không cho phép bất cứ ai ăn thịt, Ta cấm hẳn việc ăn thịt, và Ta sẽ còn vĩnh viễn cấm việc ấy (…)."

Những lời trên đây của Đức Phật được trích dịch lại từ một quyển sách của Philip Kapleau, một thiền sư Phật giáo người Hiệp Chúng Quốc (U.S) (A uddhist case for vegetarism, Ed. Rider, London, 1983, tr. 29).

Lục tổ Huệ Năng, sau khi thừa kế tổ Hoằng Nhẫn phải bỏ trốn và sinh sống với những người thợ săn, đã kể chuyện lại như sau trong Kinh Pháp Bảo đàn: "Khi nấu ăn, họ [tức những người thợ săn] nấu chung rau cải với thịt trong một nồi. Khi họ mời tôi ăn, tôi nói với họ rằng trong đĩa thức ăn tôi chỉ ăn rau mà thôi."

Việc cấm sát sinh được nhắc đi nhắc lại trong nhiều kinh điển Phật giáo chẳng hạn như trong Luật tạng (Vinaya-Nikaya), Tăng nhất bộ kinh (Anguttara-Nikaya), Tương ưng bộ kinh (Samyuttara-Nikaya), v.v…Giới luật là một thành phần của Đạo Pháp, Đạo Pháp vô Giới luật sẽ không còn phải là Đạo Pháp. Nếu Phật giáo không chủ trương ăn chay thì Phật giáo có thể sẽ không còn là Phật giáo nữa, và biết đâu Phật giáo cũng không còn tồn tại đến ngày nay.

Sự kiện ăn chay còn có ý nghĩa cao hơn là một hành động giữ giới. Phật Giáo tập cho chúng ta nhận thức được sự khổ đau cùng khắp trong thế giới luân hồi. Ăn chay để làm giảm bớt đi những khổ đau đó cho chúng sinh, tập cho chúng ta trở thành những người "bất bạo động". Người ăn chay theo ý nghĩa của (triết học) Phật giáo là một người "thật can đảm", "bất hợp tác", "đứng ra ngoài cuộc" để "không tự trói mình" trong chuỗi dài bất tận của thèm khát và giết chóc. Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý rằng nếu người ăn chay cố chấp vào việc ăn chay của mình, câu nệ từng li từng tí, "không đụng chén đụng đũa với người ăn thịt", thì đó cũng là một hình thức của sự "bám víu", đi ngược với giáo lý phật Pháp.

Xin trở lại một điều đã nêu lên trong phần nhập đề, tức cái cảm giác đẩy một cánh cửa đã mở rộng khi nêu lên chủ đề ăn chay. Hầu hết những gì thường viết hay giảng về vấn đề ăn chay cũng đều giống như một cánh cửa đẩy ra phía bên ngoài, hướng tâm thức ta vào phần thân xác của riêng mình và sự sống của các sinh vật vật khác, hoặc phóng tâm thức ta xa hơn và rộng hơn vào môi sinh chung quanh: nói chung có nghĩa là ăn chay để giữ giới, bảo vệ cho thân xác được tinh khiết, thực thi lòng từ bi... Mặc dù cánh cửa đã được mở rộng như thế, nhưng thiết nghĩ ta cứ nên bạo dạn tiếp tục đẩy cánh cửa thêm nữa, nhưng hãy đẩy nó vào phía bên trong, mở thẳng nó vào tâm thức của chính mình để thử quán xét sự tương liên của tâm thức và hành động của chính mình về việc ăn chay xem sao?

Thật vậy, ăn chay không phải đơn giản chỉ để giữ giới, không phải để cầu mong cho thân xác được tinh khiết, hoặc cũng không phải là để cứu vớt một số chúng sinh khỏi chết…Dù ăn chay trường nhưng ta cũng không cứu vớt được bao nhiêu sinh linh trước sự tàn phá của vô minh và bản năng tham ăn và thích ăn của con người. Nếu ý nghĩa ăn chay dừng ở mức độ như vừa kể trên đây thì thực sự là ta vẫn còn vướng trong sự trói buộc của “vô minh”. Việc ăn chay chắc chắn là phải có một ý nghĩa cao cả hơn và tích cực hơn như thế nữa.

Ăn chay là một phương thức tu tập hằng ngày của ta, luôn luôn nhắc nhở ta về lòng từ bi. Ăn chay là để cải thiện chính tâm thức ta, giúp cho tâm thức ta an bình hơn, từ bi hơn, một tâm thức trong sáng, rộng lớn và bén nhậy trước những khổ đau của chúng sinh. Khi lòng từ bi được phát huy đến cực độ thì sẽ đưa tâm thức đến trí tuệ (wisdom) và trí tuệ tức là giác ngộ (enlightenment). Lòng từ bi như thế mới chính thực là từ bi của Phật giáo. Ăn chay như thế mới gọi là ăn chay theo Phật giáo. Đó là một hành động tích cực, cao cả, can trường và bất bạo động. Thức ăn chay là thực phẩm nuôi dưỡng lòng từ bi, và từ bi là mảnh đất giúp cho trí tuệ nẩy mầm và phát triển. Một vị Bồ Tát tham thiền trong một hang động trên núi cao, chịu lạnh, chịu đói, không phải để cứu vớt một vài con vật trong lò sát sinh, nhưng để phát lộ và khai triển lòng từ bi vô biên, trải rộng lòng từ bi đó ra tám phương Trời, mười phương Phật, để đến gần với từng sinh vật nhỏ bé trong bốn miền không gian.

Ăn chay phải tích cực và ta phải biết sử dụng việc ăn chay như một phương pháp tu tập để biến cải tâm thức. Ăn chay mà "vô cảm" hay "xả cảm" thì chỉ là một việc vô ích mà thôi. Từ điểm này chúng ta hãy thử lạm bàn xa hơn nữa, cao hơn nữa, đưa tâm thức vượt lên trên mọi khái niệm nhị nguyên của ăn chay và không ăn chay, vượt lên trên mọi gò bó, bám víu, câu nệ của giới luật, của tích lũy đạo hạnh, của từ chương trong kinh sách và vượt lên trên tất cả những gì đã được trình bày trên đây.