Xem lịch sử nước ta từ xưa đến nay hơn ba nghìn
năm, chỉ có gia nô mà không có quốc dân.
Quyền vua có nặng, nặng không biết chừng nào; gia dĩ [1] quyền quan lại
hứng đỡ quyền vua mà từng từng áp chế.
Từ cửu phẩm kể lên cho đến nhất phẩm, chồng
càng cao, ép càng nặng, đến dân là vô phẩm, thân giá [2] lại còn gì.
Thằng này là con ngựa, thằng nọ là con trâu,
buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì cúi đầu cứ lủi.
Gặp Đinh thì làm nô với Đinh, gặp Trần thì
làm nô với Trần, gặp Lê Lý thì làm nô với Lê Lý.
Phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa
canh thải, đã lấy làm hớn hở vênh vang; tối năm[3] đứng đầu ruộng mới được bát
cơm ăn, suốt đêm ngồi bên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà mở miệng ra thì
“cơm vua áo chúa“; đồng điền này, sông núi nọ mồ hôi lẫn nước mắt cày cấy mở
mang, nhưng mà “chân đạp đất vua”, lại giữ chặt một hoạt kê vô lý [4].
Cái tư tưởng gia nô! Cái trí thức gia nô! Bệnh gia truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại, bắt ta phải gông đầu khoá miệng, xiềng tay xiềng chân, chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp.
[1]: thêm vào đó.
[2]: giá trị con người.
[3]: quanh năm.
[4]: ý nói: Tự mình làm ra mà lại bảo là do ơn người khác, thật là câu chuyện buồn cười.
Phan Bội Châu.
Cao đẳng quốc dân, 1928.
No comments:
Post a Comment