Tuesday, July 29, 2014

BODHISATTVA – BỒ TÁT


Khi nói đến Bồ Tát, chúng ta có thể sẽ  nghĩ đến Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Đại Thế Chí...

Vậy Bồ Tát là gì?

1. Một vị Bồ Tát có ba đặc điểm nổi bật là:

a. Trong bản chất hiện hữu của mình, vị Bồ Tát luôn khao khát đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn (toàn giác)  như Đức Phật mà theo quan điểm này có nghĩa là bậc Nhất thiết trí, nghĩa là thấu biết tất cả mọi việc trong suốt mọi thời gian với hết thảy mọi chi tiết và khía cạnh khác nhau của chúng.

b. Vị Bồ Tát có đủ hai diệu lực là từ bi và trí huệ với mức độ như nhau. Nhờ lòng từ bi, Ngài quên bản thân mình mà hoãn lại việc tịch diệt Niết Bàn để cứu giúp chúng sinh – con người đang đau khổ. Nhờ trí huệ, Ngài nỗ lực đạt đến sự nhận biết trong bản tâm về tánh Không (Emptiness) của vạn vật. Và Ngài luôn giữ vững tấm lòng từ bi kiên định với tất cả chúng sinh – con người cho dù với trí huệ Ngài thấy rõ rằng chúng sinh, con người và những nỗi thống khổ của họ đều là ảo mộng.

c. Mặc dù chú tâm hướng đến sự thuần khiết, vị Bồ Tát vẫn duy trì mối quan hệ với những người bình thường và có cùng những cảm xúc rung động như họ. Tuy nhiên, những cảm xúc này không hề gây ảnh hưởng hay làm vẩn đục tâm trí Ngài.

2. Lòng từ bi của một vị Bồ Tát được gọi xem là “vĩ đại”. Vì lòng từ bi ấy là vô hạn và không phân biệt. Vị Bồ Tát quyết tâm trở thành người cứu độ tất cả chúng sinh, con người cho dù là giá trị của chúng sinh, con người ấy như thế nào hoặc có đòi hỏi đến sự chú ý của Ngài hay không. 

Thời kỳ đầu chỉ hoàn toàn nấn mạnh vào trí huệ của các vị thánh nhưng giờ đây tâm nguyện vị tha mong muốn mang lại hạnh phúc cho người khác được cho là cũng có giá trị tương đương như trí huệ. Giác ngộ là sự hiểu biết tường tận và hoàn toàn về bản chất và ý nghĩa của đời sống, về những sức mạnh chi phối tạo thành đời sống, về phương pháp để chấm dứt đời sống và về thực tại hiện hữu vượt trên đời sống. 

Những người Đại Thừa đồng ý rằng sự giác ngộ không tự nó đưa đến tâm nguyện cứu độ chúng sinh. Họ phân biệt có ba bậc giải thoát: 2 bậc thuộc về tự lợi và một bậc là lợi tha. Bậc giải thoát tự lợi là những vị A La Hán và Bích Chi Phật, được xem như đại diện cho quan điểm của Tiểu Thừa, cho loại "cỗ xe nhỏ". Họ được mô tả như là thờ ơ trước những mối lo nghĩ của thế gian và chú tâm trước hết đến sự giải thoát của chính mình. Bậc giải thoát lợi tha là các vị Phật và sự theo đuổi con đường lợi tha của một vị Bồ Tát để đạt đến giác ngộ được gọi là Phật thừa hay Đại thừa.

Vị Bồ Tát phải là một người kiên nhẫn. Vị này muốn thành Phật nhưng khoảng cách giữa ngài với sự toàn hảo, siêu việt của Đức Phật – người hiểu biết và là hiện thân của tất cả – là vô tận. Không thể nào vượt qua được khoảng cách ấy trong một đời sống này. Phải cần đến thời gian kéo dài và vị Bồ Tát phải chuẩn bị tinh thần để vượt qua thời gian ấy trước khi đạt được mục đích. Tuy vậy, sự ngăn cách giữa vị Bồ Tát với quả Phật lại chỉ là một sự ngăn ngại nhỏ. Đó là sự vướng mắc vào tự ngã, tự cho mình là một cá nhân riêng biệt và giữ lấy khuynh hướng cố hữu về các khái niệm "tôi làm", "của tôi làm".... Thoát được chính mình là nhiệm vụ trên hết của một vị Bồ Tát. 

Bằng vào hai phương pháp, Bồ Tát có thể loại trừ được sự chấp ngã của chính mình. 

Thứ nhất là, về mặt hành động, Người hy sinh chính mình và phục vụ với lòng vị tha. 

Thứ hai là, về mặt nhận thức, người quán xét nội tâm về sự không hiện hữu khách quan của tự ngã.
Phương pháp thứ nhất là do lòng từ bi của Người và phương pháp thứ hai là do trí huệ, được định nghĩa như là khả năng thâm nhập vào thực tại chân thật, vào tự tánh của sự vật, vào sự hiện hữu trong tự thân của sự vật. Sự hành động và nhận thức được tin là phải đi đôi với nhau mới có thể mang lại được những thành quả tâm linh.

Sự nhất quán giữa từ bi và trí huệ được thể hiện bởi sáu phép tu hoàn thiện hay sáu Ba La Mật, tức là sáu "phương pháp có thể giúp vượt qua được bờ bên kia" – "đáo bỉ ngạn". 

Một người bình thường trở thành Bồ Tát khi người ấy lần đầu tiên phát nguyện sẽ đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn vì lợi ích của tất cả chúng sinh, con người. Sau khi phát nguyện, từ đó cho đến khi đạt được quả Phật, vị Bồ Tát dành trọn tâm lực trải qua vô số kiếp để thực hành sáu Ba La Mật. Điều này quan trọng đến mức Đại thừa thường tự ví mình là "Lục độ thừa". Và Lục độ, hay sáu Ba La Mật ấy là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.


Trích trong “A Short History of Buddhism” – “Lược sử Phật giáo”, tác giả: Edward Conze.

No comments:

Post a Comment