"Giới trí thức có trách nhiệm nói lên sự thật và phơi bày sự giả dối."
– Noam Chomsky, 1967.
Trí thức là ai?
Tác giả: Hanh Tran (Trần Hữu Hạnh).
Theo nghĩa rộng nhất, giới trí thức là những ai dùng trí thông minh và kiến thức trong công việc của họ. Họ áp dụng khả năng này trong tất cả mọi lãnh vực trong một quốc gia – xã hội, kinh tế, khoa học, chính trị, nghệ thuật, v.v... Họ còn là những người có khả năng nghiên cứu, phân tích sự kiện, bàn luận và đưa ra những phương sách hay nguyên tắc để áp dụng vào đời sống.
Theo tư duy hiện đại, giới trí thức được phân thành 3 loại: công hoạt, tư hoạt và lưỡng hoạt.
1. Trí thức công hoạt (TCCH – public intellectuals) điển hình là những giáo sư – những người truyền bá kiến thức cho học sinh và hướng dẫn họ học hỏi. TCCH còn tham gia những diễn đàn trên mạng truyền thông, viết sách, diễn thuyết, v.v... để bàn luận và chia sẻ những thông tin và tư duy mới, nhưng không chỉ giới hạn trong lãnh vực chuyên môn của họ và không chỉ với chuyên gia như họ. Họ có thể bày tỏ ý kiến với tư cách là người biết nghiên cứu và suy nghĩ đúng đắn.
2. Trí thức tư hoạt (TTTH – private intellectuals) là những người hoạt động như TCCH nhưng với mục đích làm lợi cho công ty, tập đoàn hay chủ nhân của họ.
3. Trí thức lưỡng hoạt (TTLH – dual intellectuals) là những trí thức có kinh nghiệm làm việc như TTCH và TTTH. Đây là thành phần có nhiều ảnh hưởng nhất trong đời sống trí thức của một nước vì họ vừa có kiến thức phong phú của chuyên gia và vừa có kinh nghiệm sử dụng quyền lực của chính phủ.
Cũng như trong mọi thành phần của xã hội, giới trí thức cũng được chia thành nhiều phe – từ bảo thủ đến cải cách.
Giới trí thức có những trách nhiệm nào?
Dù là trí thức loại nào hay thuộc phe nào, nhìn chung giới trí thức có những trách nhiệm như nhau:
1. Thi hành nghiên cứu và làm việc một cách trung thực và khách quan.
2. Tạo quyền lực cho dân chúng qua công tác khai trí, giải thích về tác động của chính sách nhà nước đối với đời sống của họ.
3. Góp phần giải quyết những khó khăn trong xã hội, tạo môt xã hội đoàn kết và hoà đồng.
4. Giúp xã hội xoá tan những thói tật, thành kiến và tư duy hủ lậu.
5. Giáo dục một thế hệ trẻ để có tinh thần sáng tạo, tư duy độc lập và vượt mốc tiến bộ của thế hệ đi trước.
6. Lắng nghe quần chúng, kể cả những tiếng nói chỉ trích từ mọi phía để cải thiện và định hướng công việc của mình.
7. Đóng góp vào việc cải thiện xã hội và guồng máy chính phủ.
8. Bênh vực công lý, phơi bày giả dối, phản đối bạo quyền và lạm quyền bất kể nguồn gốc.
Trong thời buổi toàn cầu hoá, trách nhiệm của giới trí thức còn vượt giới hạn quốc gia. Có thể nói, họ có trách nhiệm với cả nhân loại.
No comments:
Post a Comment