Monday, September 22, 2014

TỨ Y

1.     Y pháp bất y nhân. 


2.     Y nghĩa bất y ngữ. 


3.     Y trí bất y thức. 


4.     Y kinh liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa.

i. Y pháp bất  y nhân: nghĩa là nương tựa vào Phật Pháp, triết học Phật giáo chứ không nương tựa vào con người nói giáo lý Phật Giáo, Phật pháp.

 ii. Y nghĩa bất  y ngữ: nghĩa nương tựa, tin vào ý nghĩa thật sự của triết học Phật Giáo, Phật Pháp chứ không chấp vào từ ngữ, kinh điển mà không suy xét cẩn thận.

iii. Y trí bất  y thức: Trí là trí tuệ (prajnã, wisdom) là sự hiểu biết chân chính, biết sự vật "như nó là"  - "as it is" còn thức cũng được gọi là thức huyễn, tình thức... cũng là “biết” nhưng biết theo cái nhìn có khi “méo mó” bởi yêu ghét, thành kiến, nhị nguyên đối đãi... nên không đúng với sự thật. Thí dụ, chúng ta biết mọi  sự vật, hiện tượng đều là vô thường, vô ngã; nghĩa là không có tự tính độc lập và luôn thay đổi, ngay cả con người; biết như vậy là cái biết hợp với chân lý, đó là trí. Trái lại “biết” người này tốt người kia xấu, người này hay người kia dở .. thì đó là cái biết do tình thức, thị phi, cái biết của tâm phân biệt, nhị nguyên đối đãi; vì vậy Đức Phật dạy không nên tin vào cái biết (thức) đó.

iv. Y kinh liễu nghĩa bất  y kinh bất liễu nghĩa: Đức Phật dạy: 
- Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta! 

Vì vậy, cho dù là Kinh, sách ghi lại những lời Đức Phật thuyết Phật Pháp, nhưng nếu mình hiểu được nghĩa lý rõ ràng [liễu nghĩa] thì mới nương theo đó mà tu tập, nếu thấy lợi ích mới tiếp tục thực hành và phát triển. Nguợc lại, Kinh nào không liễu nghĩa, mình không hiểu thấu đáo, không biết cách thực hành thì không làm theo vì có thể tạo nghiệp quả xấu.

Friday, September 19, 2014

INDIFFERENCE – VÔ CẢM



Những phát biểu của Eliezer Wiesel (Jewish holocaust survivor, Nobel Prize Winner 1986) người Israel (Do Thái) đã sống sót khi bị đưa vào trại tập trung của Đức Quốc Xã (NAZI) và nhận giải Nobel Hoà bình năm 1986:


1.

Tôi thề là sẽ không bao giờ im lặng trước cảnh con người chịu đựng khổ đau và nhục nhã.

I swore never to be silent whenever and wherever human beings endure suffering and humiliation.


2.

Chúng ta phải đứng về phía chính nghĩa. Thái độ trung lập giúp bạo quyền chứ không bao giờ giúp nạn nhân của họ.

We must always take sides. Neutrality helps the oppressor, never the victim.


3.

Câm lặng là sự khuyến khích đối với bạo quyền và chẳng có ích gì cho người bị áp bức.

Silence encourages the tormentor, never the tormented.


4.

Có khi chúng ta không ngăn cản được bất công, nhưng không khi nào chúng ta không phản đối nó.

There may be times when we are powerless to prevent injustice, but there must never be a time when we fail to protest.


5.

Vô cảm là đỉnh cao của độc ác.

Indifference is the epitome of evil.


6.

Đối nghịch với tình yêu không phải là hận thù mà là vô cảm.

The opposite of love is not hate, it's indifference.


Wednesday, September 17, 2014

VŨ TRỤ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

Matthieu Ricard:

Ta có thể hiểu Big Bang –  Vụ Nổ Lớn như một sự xuất hiện một loạt các hiện tượng từ một tiềm năng vô tận nhưng không hình tướng, cái mà Phật giáo gọi là những “vi trần”. Từ này không nói lên một thực thể cụ thể, nhưng là một tiềm năng của hư không mà ta có thể so sánh với cái không vật lý.

Tổ Tịch Thiên – Shantideva thế kỷ thứ 6 đã viết:

Khi cái Có không đồng thời với cái Không,
Vậy thì nó có từ bao giờ?

Vì lẽ cái Không sẽ không mất đi
Khi mà cái Có chưa xuất hiện.

Và cái Có không thể xuất hiện
Khi mà cái Không chưa mất đi.

Cũng như thế, cái Có không thể đồng thời là cái Không.
Vì như thế mọi vật sẽ có hai bản thể.

Lý do vì sao cái “không là gì” không thể trở thành bất cứ cái gì, bởi lẽ nó không thể biến hóa mà không mất đi tánh không của nó. Nhưng làm sao khả dĩ buông bỏ một cái gì không có? Cái Không chỉ là một khái niệm để đối lại với cái Có. Cái Không không thể tự có khi vắng bóng cái Có. Cái Không không thể thay đổi được. Các văn bản đều viết: 'Một tỉ nguyên nhân cũng không làm nảy sinh được cái không có.' Nếu có một vật gì xuất hiện thì đó là đã có sẵn một mầm mống tiềm ẩn.

GS Trịnh Xuân Thuận: 

Vật lý cho rằng các tiềm năng này là do năng lực của cái không. Nhưng vẫn còn lại câu hỏi: Cái không này được hình thành như thế nào? Có chăng một cái không bất thình lình bị gián đoạn trở nên đầy tiềm năng và đồng thời không gian, thời gian xuất hiện.

Matthieu Ricard: 

Một sự gián đoạn không nguyên cớ xảy ra trong một cái gì không có? Phải chăng là một sự khởi đầu lạ lùng! Big Bang hay mọi sự khởi đầu của một vũ trụ đặc biệt không thể xuất hiện mà không có nguyên nhân cũng không điều kiện. Thế giới hiện tượng không thể xuất hiện từ cái không. Mặt khác, điều cơ bản theo Phật giáo là các hiện tượng và thời gian không thể bắt đầu hay chấm dứt bởi lẽ chúng không có thực thể riêng biệt. Khi chúng ta nói đến một sự khởi đầu, tâm trí chúng ta nghĩ ngay đến khởi đầu của một cái gì. Quan niệm về khởi đầu và chấm dứt của vũ trụ thuộc về chân lý tương đối. Trên quan điểm chân lý tuyệt đối chúng không có ý nghĩa gì cả. Khi chúng ta nhìn thấy một lâu đài trong giấc mơ, ta không cần biết ai đã xây nó. Mọi tôn giáo, mọi triết lý đều vấp phải vấn đề sáng tạo. Khoa học đã loại bỏ vấn đề sáng thế, còn Phật giáo đi xa hơn đã phủ nhận cả một sự khởi đầu.


Matthieu Ricard: 

Nếu Thượng Đế là bất biến thì Ngài không thể sáng tạo được. Còn nếu Ngài bị dính mắc vào thời gian thì Ngài không thể bất biến được. Đó phải là sự mâu thuẫn dẫn đến quan niệm nguyên nhân đầu tiên. Trước tiên, nếu có một nguyên nhân đầu tiên, nguyên nhân này phải bất biến. Vì sao? Vì tự nó là đầu tiên thì nó phải không thay đổi. Mọi thay đổi đều ngụ ý có sự can thiệp của một nguyên nhân khác không giống với nguyên nhân đầu tiên.

Kế đến, làm thế nào mà một thực thể bất biến lại có thể sáng tạo? Nếu có sự sáng tạo thì người sáng tạo phải giữ vai trò gì trong đó? Nếu không thì sao gọi là Đấng sáng tạo. Nếu có, vì lẽ sự sáng tạo được thể hiện bằng nhiều giai đoạn thì vật hay người có liên quan đến các giai đoạn ấy không thể bất biến được. Ta có thể chấp nhận ý kiến của thánh Augustin là Thượng Đế đã sáng tạo ra thời gian cùng với vũ trụ nhưng dù là như vậy, sự sáng tạo cũng vẫn là một tiến trình và nếu là tiến trình thì không thể bất biến được. Còn thánh Thomas ở Aquin thì lại nói: 'Nếu thế giới này hiện hữu thì đây là vấn đề đức tin, không phải là vấn đề cần chứng minh hay vấn đề khoa học.' Triết học Phật giáo thì cho rằng đức tin ở đây không cần thiết nếu ta không đặt vấn đề khởi đầu của vũ trụ.


GS Trịnh Xuân Thuận: 

Nếu thế, mỗi sự kiện đều phải có một nguyên nhân và như vậy sẽ vô cùng tận.

Matthieu Ricard: 

Sự vô cùng tận đó đi ngược lại những tin tưởng siêu hình truyền thống của tôn giáo cũng như của khoa học; cả hai đều muốn cho vạn vật phải có một sự khởi đầu. Theo Bertrand Russell, không có lý do gì tin rằng thế giới có một sự khởi đầu và nếu chúng ta tin như vậy là vì trí tưởng tượng của chúng ta quá nghèo nàn. Cái ý muốn có một sự khởi đầu cho vạn vật dựa trên sự xác tín là mọi vật thật sự hiện hữu và chúng ta cảm nhận được điều ấy. Vậy nếu một sự khởi đầu không cần thiết và riêng tôi cũng đồng ý như vậy, thì cái nguyên lý tổ chức cũng không cần thiết. Làm sao nó có thể tổ chức các hiện tượng không có khởi đầu. Nó có thể thay đổi hiện tượng dần dần mà thôi. Còn một lập luận khác chống lại nguyên lý sáng tạo đó là nếu nó tạo nên toàn thể các hiện tượng trong thế gian, nó phải chứa đựng toàn thể nguyên nhân của các hiện tượng ấy. Nếu không sẽ có một vật thể gì đó nằm ngoài sự sáng tạo của nó.


Triết học Phật giáo đề nghị rằng trong thế giới hiện tượng không cần có nguyên lý sáng tạo và mỗi giây phút được xem như là một sự ngưng dứt và khởi đầu liên tục do sự vô thường của các hiện tượng theo luật Nhân quả. Trên bình diện chân lý tuyệt đối, tất cả các sự kiện quá khứ, hiện tại, vị lai đều giống hệt nhau vì chúng không có tự tính: chúng không có khởi đầu cũng như không có chấm dứt. Nếu một vật gì không thật sự được sản sinh thì không có lý do gì tìm hiểu về sự chấm dứt của nó. Vậy thì ta không cần đến một nguyên lý sáng tạo có thể làm được mọi việc nhưng chính nó lại được tạo ra không bởi cái gì cả.

VŨ TRỤ (UNIVERSE) - VỤ NỔ LỚN - BIG BANG - KHÔNG GIAN (SPACE) - THỜI GIAN (TIME) - KHÔNG (EMPTINESS)

Matthieu Ricard:

Các lý thuyết dù có sức thuyết phục về diễn trình hình thành vũ trụ, cũng không giải quyết thỏa đáng vấn đề nhân quả của Big Bang – Vụ Nổ Lớn. Một người bạn học giả Tây Tạng của tôi khi được nghe về thuyết Big Bang đã kêu lên ‘Vũ trụ, thời gian, không gian bắt đầu bằng một tiếng nổ lớn không duyên cớ ư? Như vậy có khác gì nói đến sự có mặt của một đấng sáng tạo là nguyên nhân đó.’ 

Theo triết học Phật giáo, thời gian và không gian chỉ là khái niệm của chúng ta do sự tiếp xúc với các hiện tượng, chúng hoàn toàn không có dự tính, nói cách khác chúng không “thật”. Vì thế nên ý tưởng có một khởi đầu tuyệt đối của không gian và thời gian là không thể chấp nhận được. Vậy thì không có gì dù là sự khởi đầu có vẻ như là hiển hiện của thời gian và không gian, không thể hiện hữu không duyên cớ, không điều kiện, nói cách khác, không một cái gì có thể bắt đầu sinh hoặc chấm dứt tồn tại. Big Bang chỉ là một giai đoạn trong tiến trình không có khởi đầu và không có kết thúc.


Triết học Phật giáo cảm nhận thực tại vũ trụ bằng một cái nhìn khác hẳn. Phật giáo cho rằng các hiện tượng không thực sự được sinh ra theo nghĩa từ không đến có. Chúng chỉ hiện hữu giả tạm mà không có thực thể. Thực tại tương đối hay quy ước thuộc về kinh nghiệm chúng ta đối với thế giới theo cách chúng ta nhận biết, nghĩa là gán cho chúng một nhãn hiệu khách quan.

Theo triết học Phật giáo, nhận biết ấy là giả tạo vì khi phân tích triệt để, không có hiện tượng nào là có thực thể. Và cái “Không” cuối cùng mới là chân lý tuyệt đối. Và như vậy vấn đề “sáng tạo” là hoàn toàn sai.

Tuy nhiên các hiện tượng vẫn diễn ra trên thế gian và chúng không phải là không thật có, nhưng không có hiện tượng nào có một thực thể riêng biệt. Như vậy, hiện tượng giống như là một giấc mộng, một ảo ảnh vừa như có mà thật ra là không. Cũng hệt như hình ảnh phản chiếu trong một tấm gương, nó rõ ràng nhưng không thật có. Triết gia Ấn Độ thời danh vào thế kỷ thứ II, Bồ Tát – Tổ Long Thọ đã nói: ‘Các hiện tượng là do một sự duyên hợp, thực chất chúng không hiện hữu.’

Chúng không diễn tiến một cách tự phát, cũng không do một năng lực siêu hình nào mà theo đúng luật nhân quả.

Nói về chân lý tuyệt đối thì không có sáng tạo, không có thời gian, không có chấm dứt. Sự mâu thuẫn này đã chỉ ra tính vô thường của các hiện tượng. Các hiện tượng này có muôn hình muôn vẻ nhưng thực sự chúng là “Không”. Và trong một thế giới quy ước thì không thể có khởi đầu vì lẽ mỗi việc xảy ra đều có nguyên nhân. Vậy thì bạn thử nói xem Big Bang – Vụ Nổ Lớn có thể thật sự là một khởi đầu hay chỉ là một giai đoạn trong quá trình tiến hóa của vũ trụ.

SỰ YÊN LẶNG CỦA MỘT NHÀ SƯ TÂY TẠNG (TIBET)

     
Trong một quyển sách mới nhất của học giả người Pháp Alain Grosrey, dày hơn 900 trang, tựa là “Quyển sách lớn về Phật giáo” – “Le Grand livre du Bouddhisme”, nhà xuất bản Albin Michel, phát hành vào cuối năm 2007, có thuật lại một cuộc tranh biện giữa một thiền sư Hàn Quốc và một đại sư Tây Tạng như sau:
            
Cuộc gặp gỡ được tổ chức vào thập niên 1970 tại Hiệp Chúng Quốc (U.S) giữa thiền sư Hàn Quốc Seung Shan và nhà sư Tây Tạng Kalou Rinpoché. Các chuyên gia về Phật giáo và các Phật tử Hiệp Chúng Quốc tham dự rất chú tâm và chờ đợi sự diễn biến của cuộc tranh luận giữa hai vị thầy uyên thâm về Phật giáo trên đây. Mỗi vị thầy đều được một số đông đệ tử của phe mình tháp tùng, hai bên trang phục đúng theo học phái của họ. Buổi họp bắt đầu rất trang nghiêm và trịnh trọng. 
            
Thiền sư Hàn Quốc khời sự trước, có lẽ ông muốn dùng kỹ thuật hỏi đáp của thiền học để thử sức nhà sư Tây Tạng. Ông lấy một quả cam cất sẵn trong tay áo rồi đưa lên hỏi nhà sư Kalou Rinpoché:

-     Cái này là cái gì? 

Cử tọa nhìn vào quả cam rồi nhìn chằm chằm vào nhà sư Tây Tạng để chờ câu trả lời nhưng nhà sư Kalou Rinpoché vẫn ngồi thật im trong tư thế thiền định, không nói một lời nào và cũng không tỏ lộ một dấu hiệu gì cả.

Nhà sư Hàn Quốc đứng lên dí quả cam vào mặt nhà sư Tây tạng và nói thật to:

-    Cái này là cái gì ? 

Nhà sư Tây Tạng vẫn yên lặng và một lúc sau mới từ tốn ghé vào tai người thông dịch ngồi bên cạnh, hai người to nhỏ vài lời. Nhà sư Tây Tạng lại tiếp tục ngồi im. Người thông dịch cất lời với cử tọa: 

-    Ông Rinpoché nói rằng: ‘Thế thì vấn đề ở đâu ? Trên đất Tây Tạng không có cam.’             

Buổi gặp gỡ chấm dứt một cách đột ngột và bất ngờ như thế. Tác giả Alain Grosrey thuật lại câu chuyện trên đây để kết thúc một phân đoạn trình bày về các công án của Thiền tông. Đúng vậy, câu chuyện xứng đáng là một công án thật thâm thúy. Tuy nhiên ta có thể mở rộng sự tìm hiểu trên vài khía cạnh khác của câu chuyện :
           
- Cuộc tranh biện tuy ngắn ngủi nhưng thật thâm sâu và phong phú.
            
- Thiền tông và Phật giáo Tan-tra là hai học phái hoàn toàn khác nhau, phát triển ở hai vị trí địa lý khác nhau nhưng đều gặp nhau trên mức độ tối hậu của Đạo Pháp.
            
 Câu chuyện phản ảnh một phần nào sự tích “Niêm hoa vi tiếu” (Trong một hội pháp, Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, cả hội chúng không biết ý Đức Phật là gì, chăm chú nhìn chỉ có Tổ Đại Ca Diếp mỉm cười) nhưng ồn ào hơn nhiều.

Khi thiền sư Seung Shan đưa quả cam lên để hỏi. Tất cả mọi người đều hiểu là quả cam, vì đó là một sự hiểu biết quy ước sẵn có, tuy chờ câu trả lời nhưng câu trả lời họ cũng đã biết (quả cam), họ chờ đợi một cái gì lý thú hơn nữa đang kích động họ.

Nhưng nhà sư Kalou Rinpoché lại không trả lời, nếu như ông trả lời là  “quả cam” thì sự tranh biện sẽ tiếp tục. Nếu ông trả lời là “quả chanh” thì sự tranh cải sẽ nổi lên, không biết bao giờ mới chấm dứt. Kalou Rinpoché trả lời là trên đất Tây Tạng không có cam, ý muốn nói là  “quả cam” chỉ là một sự hiểu biết quy ước, không phải là tuyệt đối, không có giá trị gì cả, không đáng trả lời. Một người Tây Tạng sống trên dãy Himalayas –  Hy Mã Lạp Sơn không hề biết quả cam là gì, vậy chân lý ở đâu?

Dụng ý thứ hai là cách trả lời bên cạnh câu hỏi, không liên quan trực tiếp đến câu hỏi, chính là cách cắt đứt sự suy diễn duy lý, chận đứng sự diễn đạt của ý căn. Ông đã dùng phương pháp của thiền để trả lời cho câu hỏi của một thiền sư.

VŨ TRỤ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA GS TRỊNH XUÂN THUẬN VÀ Ph.D, NHÀ SƯ MATHIEU RICARD




GS Trịnh Xuân Thuận:

William Blake đã diễn tả hết sức ngoạn mục sự toàn nguyên của vũ trụ bằng các vần thơ sau:

Thấy được vũ trụ trong một hạt cát,
Và cả một thiên đường trong một bông hoa dại.
Nắm lấy cả vũ trụ trong lòng bàn tay,
Và cả vĩnh cửu trong một giờ.

Matthieu Ricard:

Khi nghe các câu thơ của Blake, tôi lại chợt nhớ đến bốn câu kệ của Đức Phật:

Thấy trong một nguyên tử,
Và trong mỗi nguyên tử,
Toàn thể thế gian,
Đó là điều bất khả tư nghì[1].

Các bản văn Phật giáo cũng nói rằng Đức Phật biết rõ bản thể cũng như sự đa dạng của các hiện tượng như xem trong lòng bàn tay của mình và Người có thể biến một sát na[2] thành vĩnh cửu và ngược lại.

Nếu người ta suy nghĩ kỹ về ý nghĩa của bốn câu kệ, người ta nhận ra ngay sự toàn giác của Đức Phật.

Chúng ta không cần xem Đức Phật như Thượng Đế. Chỉ cần hiểu rằng sự giác ngộ (Enlightenment) sẽ đưa đến một cái nhìn nhất nguyên về vạn vật và bản thể của chúng.

Thi sĩ, triết gia Ấn Độ Asva (Vô Ước) có viết:

Trong đại định, ta có thể nhìn xuyên suốt cái nhất nguyên của vũ trụ.
 Ngược lại, vô minh che lấp mất nhận thức đúng đắn về bản thể muôn loài.


[1] bất khả tư nghì: không thể hiểu được, không giải thích được.

[2]: sát na: một khoảng thời gian ngắn ngủi.