Wednesday, September 17, 2014

SỰ YÊN LẶNG CỦA MỘT NHÀ SƯ TÂY TẠNG (TIBET)

     
Trong một quyển sách mới nhất của học giả người Pháp Alain Grosrey, dày hơn 900 trang, tựa là “Quyển sách lớn về Phật giáo” – “Le Grand livre du Bouddhisme”, nhà xuất bản Albin Michel, phát hành vào cuối năm 2007, có thuật lại một cuộc tranh biện giữa một thiền sư Hàn Quốc và một đại sư Tây Tạng như sau:
            
Cuộc gặp gỡ được tổ chức vào thập niên 1970 tại Hiệp Chúng Quốc (U.S) giữa thiền sư Hàn Quốc Seung Shan và nhà sư Tây Tạng Kalou Rinpoché. Các chuyên gia về Phật giáo và các Phật tử Hiệp Chúng Quốc tham dự rất chú tâm và chờ đợi sự diễn biến của cuộc tranh luận giữa hai vị thầy uyên thâm về Phật giáo trên đây. Mỗi vị thầy đều được một số đông đệ tử của phe mình tháp tùng, hai bên trang phục đúng theo học phái của họ. Buổi họp bắt đầu rất trang nghiêm và trịnh trọng. 
            
Thiền sư Hàn Quốc khời sự trước, có lẽ ông muốn dùng kỹ thuật hỏi đáp của thiền học để thử sức nhà sư Tây Tạng. Ông lấy một quả cam cất sẵn trong tay áo rồi đưa lên hỏi nhà sư Kalou Rinpoché:

-     Cái này là cái gì? 

Cử tọa nhìn vào quả cam rồi nhìn chằm chằm vào nhà sư Tây Tạng để chờ câu trả lời nhưng nhà sư Kalou Rinpoché vẫn ngồi thật im trong tư thế thiền định, không nói một lời nào và cũng không tỏ lộ một dấu hiệu gì cả.

Nhà sư Hàn Quốc đứng lên dí quả cam vào mặt nhà sư Tây tạng và nói thật to:

-    Cái này là cái gì ? 

Nhà sư Tây Tạng vẫn yên lặng và một lúc sau mới từ tốn ghé vào tai người thông dịch ngồi bên cạnh, hai người to nhỏ vài lời. Nhà sư Tây Tạng lại tiếp tục ngồi im. Người thông dịch cất lời với cử tọa: 

-    Ông Rinpoché nói rằng: ‘Thế thì vấn đề ở đâu ? Trên đất Tây Tạng không có cam.’             

Buổi gặp gỡ chấm dứt một cách đột ngột và bất ngờ như thế. Tác giả Alain Grosrey thuật lại câu chuyện trên đây để kết thúc một phân đoạn trình bày về các công án của Thiền tông. Đúng vậy, câu chuyện xứng đáng là một công án thật thâm thúy. Tuy nhiên ta có thể mở rộng sự tìm hiểu trên vài khía cạnh khác của câu chuyện :
           
- Cuộc tranh biện tuy ngắn ngủi nhưng thật thâm sâu và phong phú.
            
- Thiền tông và Phật giáo Tan-tra là hai học phái hoàn toàn khác nhau, phát triển ở hai vị trí địa lý khác nhau nhưng đều gặp nhau trên mức độ tối hậu của Đạo Pháp.
            
 Câu chuyện phản ảnh một phần nào sự tích “Niêm hoa vi tiếu” (Trong một hội pháp, Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, cả hội chúng không biết ý Đức Phật là gì, chăm chú nhìn chỉ có Tổ Đại Ca Diếp mỉm cười) nhưng ồn ào hơn nhiều.

Khi thiền sư Seung Shan đưa quả cam lên để hỏi. Tất cả mọi người đều hiểu là quả cam, vì đó là một sự hiểu biết quy ước sẵn có, tuy chờ câu trả lời nhưng câu trả lời họ cũng đã biết (quả cam), họ chờ đợi một cái gì lý thú hơn nữa đang kích động họ.

Nhưng nhà sư Kalou Rinpoché lại không trả lời, nếu như ông trả lời là  “quả cam” thì sự tranh biện sẽ tiếp tục. Nếu ông trả lời là “quả chanh” thì sự tranh cải sẽ nổi lên, không biết bao giờ mới chấm dứt. Kalou Rinpoché trả lời là trên đất Tây Tạng không có cam, ý muốn nói là  “quả cam” chỉ là một sự hiểu biết quy ước, không phải là tuyệt đối, không có giá trị gì cả, không đáng trả lời. Một người Tây Tạng sống trên dãy Himalayas –  Hy Mã Lạp Sơn không hề biết quả cam là gì, vậy chân lý ở đâu?

Dụng ý thứ hai là cách trả lời bên cạnh câu hỏi, không liên quan trực tiếp đến câu hỏi, chính là cách cắt đứt sự suy diễn duy lý, chận đứng sự diễn đạt của ý căn. Ông đã dùng phương pháp của thiền để trả lời cho câu hỏi của một thiền sư.

No comments:

Post a Comment