Tác giả: Phạm Thị Hoài.
Trích:
…
Sau
ít nhất là hai ngàn năm có một cộng đồng Việt, một dân tộc Việt, một văn hoá
Việt, một quốc gia Việt, và sau ít nhất là hai trăm năm có một lãnh thổ Việt
như ngày nay, chúng ta vẫn là một nước nghèo và lạc hậu vào hạng nhất thế giới.
Nhưng vấn đề không phải chỉ ở chỗ nghèo và lạc hậu. Nếu chỉ như vậy thì tôi còn
chưa thấy có gì đáng sợ lắm.
Vấn
đề một là ở chỗ: chưa bao giờ chúng ta không như thế. Từ khi tôi sinh ra đã như
vậy. Từ khi cha mẹ, ông bà tôi sinh ra đã như vậy. Từ khi các cụ tôi sinh ra
cũng như vậy. Khi các kỵ tôi sinh ra thì thế giới lúc đó chỉ là Trung Hoa và Ấn
Ðộ, nhưng bảng xếp hạng thì vẫn thế, không có gì thay đổi.
Nước
Hy Lạp chẳng hạn là một nước hiện nay đang nghèo nhất cộng đồng châu Âu,
nhưng không phải bao giờ cũng thế. Nước Nga cũng đang vô cùng bê bối nhưng
không phải lúc nào cũng thế. Chỉ có nước Việt là chưa bao giờ không như thế mà
thôi.
Tôi
thậm chí không dám nghĩ tiếp rằng, khi cháu tôi, hoặc chắt tôi sinh ra, chúng
ta vẫn không thoát được cái kiếp đội sổ như vậy. Sở dĩ tôi phải nói hơi dài về
vấn đề này, vì nó là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành tính cách và
tư cách của người Việt nói chung và người trí thức Việt nói riêng. Ta hãy hình
dung, nếu một anh học trò trong suốt cuộc đời đi học của mình không bao giờ
không đứng cuối lớp, như một cái dớp không thay đổi, thì đến một lúc nào đó ý
chí phấn đấu của anh ta, nếu anh ta có một ý chí, cũng phải tiêu tan.
Hai
là, nếu câu chuyện chỉ dừng ở chỗ chúng ta là một nước nghèo và lạc hậu mà thôi
thì tất nhiên vẫn là một câu chuyện buồn, nhưng chưa đến nỗi bi đát và vô vọng.
Bởi lẽ - chỗ này tôi cũng phải nói thẳng, vì chúng ta đang sống ở một nước
không nghèo và không lạc hậu tí nào là nước Ðức - có thể nói rằng sự giàu có và
văn minh tiến bộ cũng đẻ ra những nỗi buồn rất đặc trưng của nó, cũng đẻ ra sự
bi đát của nó, chứ không phải chỉ riêng nghèo và lạc hậu mới buồn và bi đát. Ta
vẫn thường xuyên thấy những công dân của cái thế giới văn minh và giàu có
này tìm cách giải toả những nỗi buồn của họ, giải toả những bi kịch của sự thừa
thãi vật chất cũng như của sự tiến bộ với tốc độ rất nhanh chóng của cái xã hội
hiện đại của họ bằng cách tìm về những xã hội còn mông muội, còn bán khai, còn
nghèo khó, và coi đó là một câu trả lời nhất định, một alternative.
Tất
nhiên chúng ta có thể mỉm cười và coi đó là một thứ lãng mạn, một căn bệnh quý
phái, nhưng không thể bác bỏ nó được. Chỉ có điều, hiện thực Việt Nam thậm chí
không phải là chỗ thích hợp để cái thế giới thứ nhất đó chữa chạy những cái căn
bệnh quý
phái của mình. Bởi vì ngoài cái nghèo và lạc hậu, thì đến đầu thế kỷ 21 này xã
hội Việt Nam còn là chỗ hội tụ của những dịch bệnh dường như vô phương cứu chữa
khác mà bao trùm lên tất cả là một khái niệm, tôi đặt tên khái niệm đó là sự
bất an. Với một nhà văn thì đương nhiên sự bất an trong tinh thần và tâm hồn là
mối quan tâm chính. Theo cách nhìn của tôi, thì sức mạnh của một xã hội là khả
năng đem lại cho các thành viên của nó cảm giác an toàn và yên tâm nhất định.
Người ta có thể nghèo, nhưng nếu người ta có được một cảm giác an toàn nhất
định, điều đó quan trọng hơn. Nếu không có cảm giác ấy thì người ta chỉ có thể
miễn cưỡng sống tạm cuộc đời của mình và đương nhiên không có một động cơ nào
đủ mạnh để sống tiếp cuộc đời của những thế hệ trước, sống trước cuộc đời của
những thế hệ sau và sống chung cuộc đời của những kẻ cùng thời. Nói như thế thì
xã hội Việt Nam là một tập hợp tạm bợ, rời rạc và hoàn toàn không hữu cơ của
những cá nhân hoang mang và bất ổn.
Về
xuất phát điểm là như vậy, vấn đề đặt ra là trong cái số phận dường như là vĩnh
viễn hẩm hiu đó của dân tộc ta thì người trí thức tham dự như thế nào? Nói một
cách khoa trương và có lẽ tương đối sáo thì người trí thức Việt Nam chịu trách
nhiệm gì về cái số phận chung ấy của cả một dân tộc? Cho đến nay, chúng ta đã
nghe, có thể là đã nghe đến thuộc lòng, những lời đáp vô cùng rõ ràng về việc
này. Việc vì ai, do ai mà nước ta đáng buồn như vậy. Có hai câu trả lời rõ như
ban ngày: một là do khách quan, hai là do chủ quan.
…
No comments:
Post a Comment