Wednesday, August 20, 2014

CHỈ BIẾT CẢM CÁI ĐẸP CỦA MÌ TÔM




Mặt bằng văn hoá của cả xã hội đang có nguy cơ bị suy thoái qua những gì ta nhận thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng và thị trường sách vở. Người ta bày bán đủ thứ hàng hoá nhưng toàn là những món rẻ tiền và không có chất lượng cao.

Hàn Quốc – South Korea – mới tập tểnh đặt chân vào miền Nam trước năm 1975 với món mì tôm bình dân đặc sản, thế mà ngày nay đã có thể ngang nhiên chiếm lĩnh nền điện ảnh Việt Nam với những bộ phim không khá hơn món mì tôm kia mấy chút, dù nền công nghệ tiên tiến của họ đã thêm vào đó rất nhiều các thứ sa tế và bột ngọt của thời trang.

Các loại phim đó đã ảnh hưởng không nhỏ đối với thị hiếu của thế hệ trẻ, những người không được nền giáo dục cung cấp đủ kiến thức để phân biệt được giá trị chân thực của điện ảnh với các mốt môi son và quần áo.

Nhìn dưới góc độ giáo dục, thì một đời sống tinh thần dung tục, hời hợt và nhợt nhạt cũng nguy hiểm không kém hiểm hoạ ma túy trong giới trẻ hiện nay. Chúng ta không phủ nhận là mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ đều có một cái gu thẩm mỹ riêng, nhưng nếu cứ vô tình để cho sự dung tục lấn át mất cái đẹp chân chính, thì đó là lỗi của văn hoá và giáo dục, vì điều đó kéo theo sự suy thoái về đời sống tinh thần.

Thị hiếu của thế hệ trẻ, nếu không được định hướng bởi các nhà phụ trách văn hoá và giáo dục, thì sẽ giống như nước, thường có khuynh hướng chảy xuống chỗ thấp. Cũng như hướng dẫn một đứa bé học âm nhạc hay ngoại ngữ vẫn luôn khó khăn hơn là bày chúng chơi bài hay đánh billard!

Nhưng có nên trách cứ thế hệ trẻ hay không, khi mà bên cạnh cảnh bát nháo trên, nền giáo dục, với lối học rập khuôn và nhồi nhét kiến thức, cứ tiếp tục góp phần làm thui chột thêm trí thông minh, làm què quặt thêm đời sống tinh thần của các em?

Cái học nhồi nhét vô bổ đã biến phần lớn các em thành những con vẹt học bài, vì sự sáng tạo tìm tòi đã bị tê liệt do phải mất quá nhiều thì giờ để đối phó với những bài giáo khoa dài lê thê vô ích và không có trọng tâm.

Chúng ta có hy vọng gì về sự kiến tạo đời sống tinh thần cho đất nước, khi mà nền giáo dục không đào tạo nỗi cho các em một đời sống tinh thần?
Hình ảnh những diễn viên vớ vẩn của Trung Quốc và Hàn Quốc xuất hiện nhan nhản trên bìa vở của các học sinh ngày khai trường thay cho những hình ảnh mang tính giáo dục, vẫn cứ tiếp diễn ra hàng bao nhiêu năm trời là một hiện tượng xã hội đáng đau xót. Thế nhưng càng đau xót hơn là không thấy một cơ quan giáo dục nào quan tâm và lên tiếng.

Điều may mắn là chúng ta vẫn nhận ra trong thế hệ trẻ hiện nay, có nhiều em rất thông minh và tài hoa, tạo thành niềm tự hào cho dân tộc và đã làm chúng ta phục lăn qua cuộc thi trong và ngoài nước về khoa học lẫn nghệ thuật.

Nhưng chúng ta không nên tự lừa gạt nhau bằng cách vin vào đó để đánh giá chất lượng của nền giáo dục. Vài cơn mưa rào không thể làm thấm ướt cả một vùng đất quá đỗi khô cằn. Một căn nhà bị gió mưa phá hoại liên tục mà không bị lún ngã, không phải vì sự phá hoại đó chưa trầm trọng, mà chính nhờ cái móng quá vững bền. Tôi muốn nói đến tinh thần đạo lý mang đậm nét nhân văn và sức chịu đựng phi thường của người Việt Nam.

Đây có lẽ là những điều trông thấy rất đáng để đau lòng. Và có lẽ chuyện đau lòng nhất là khi trái tim con người đã bắt đầu chai sạn, đâm ra dửng dưng hờ hững và không còn thấy đau lòng trước những chuyện rất đau lòng đó!

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng.

No comments:

Post a Comment