Wednesday, August 20, 2014

CHỈ BIẾT CẢM CÁI ĐẸP CỦA MÌ TÔM




Mặt bằng văn hoá của cả xã hội đang có nguy cơ bị suy thoái qua những gì ta nhận thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng và thị trường sách vở. Người ta bày bán đủ thứ hàng hoá nhưng toàn là những món rẻ tiền và không có chất lượng cao.

Hàn Quốc – South Korea – mới tập tểnh đặt chân vào miền Nam trước năm 1975 với món mì tôm bình dân đặc sản, thế mà ngày nay đã có thể ngang nhiên chiếm lĩnh nền điện ảnh Việt Nam với những bộ phim không khá hơn món mì tôm kia mấy chút, dù nền công nghệ tiên tiến của họ đã thêm vào đó rất nhiều các thứ sa tế và bột ngọt của thời trang.

Các loại phim đó đã ảnh hưởng không nhỏ đối với thị hiếu của thế hệ trẻ, những người không được nền giáo dục cung cấp đủ kiến thức để phân biệt được giá trị chân thực của điện ảnh với các mốt môi son và quần áo.

Nhìn dưới góc độ giáo dục, thì một đời sống tinh thần dung tục, hời hợt và nhợt nhạt cũng nguy hiểm không kém hiểm hoạ ma túy trong giới trẻ hiện nay. Chúng ta không phủ nhận là mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ đều có một cái gu thẩm mỹ riêng, nhưng nếu cứ vô tình để cho sự dung tục lấn át mất cái đẹp chân chính, thì đó là lỗi của văn hoá và giáo dục, vì điều đó kéo theo sự suy thoái về đời sống tinh thần.

Thị hiếu của thế hệ trẻ, nếu không được định hướng bởi các nhà phụ trách văn hoá và giáo dục, thì sẽ giống như nước, thường có khuynh hướng chảy xuống chỗ thấp. Cũng như hướng dẫn một đứa bé học âm nhạc hay ngoại ngữ vẫn luôn khó khăn hơn là bày chúng chơi bài hay đánh billard!

Nhưng có nên trách cứ thế hệ trẻ hay không, khi mà bên cạnh cảnh bát nháo trên, nền giáo dục, với lối học rập khuôn và nhồi nhét kiến thức, cứ tiếp tục góp phần làm thui chột thêm trí thông minh, làm què quặt thêm đời sống tinh thần của các em?

Cái học nhồi nhét vô bổ đã biến phần lớn các em thành những con vẹt học bài, vì sự sáng tạo tìm tòi đã bị tê liệt do phải mất quá nhiều thì giờ để đối phó với những bài giáo khoa dài lê thê vô ích và không có trọng tâm.

Chúng ta có hy vọng gì về sự kiến tạo đời sống tinh thần cho đất nước, khi mà nền giáo dục không đào tạo nỗi cho các em một đời sống tinh thần?
Hình ảnh những diễn viên vớ vẩn của Trung Quốc và Hàn Quốc xuất hiện nhan nhản trên bìa vở của các học sinh ngày khai trường thay cho những hình ảnh mang tính giáo dục, vẫn cứ tiếp diễn ra hàng bao nhiêu năm trời là một hiện tượng xã hội đáng đau xót. Thế nhưng càng đau xót hơn là không thấy một cơ quan giáo dục nào quan tâm và lên tiếng.

Điều may mắn là chúng ta vẫn nhận ra trong thế hệ trẻ hiện nay, có nhiều em rất thông minh và tài hoa, tạo thành niềm tự hào cho dân tộc và đã làm chúng ta phục lăn qua cuộc thi trong và ngoài nước về khoa học lẫn nghệ thuật.

Nhưng chúng ta không nên tự lừa gạt nhau bằng cách vin vào đó để đánh giá chất lượng của nền giáo dục. Vài cơn mưa rào không thể làm thấm ướt cả một vùng đất quá đỗi khô cằn. Một căn nhà bị gió mưa phá hoại liên tục mà không bị lún ngã, không phải vì sự phá hoại đó chưa trầm trọng, mà chính nhờ cái móng quá vững bền. Tôi muốn nói đến tinh thần đạo lý mang đậm nét nhân văn và sức chịu đựng phi thường của người Việt Nam.

Đây có lẽ là những điều trông thấy rất đáng để đau lòng. Và có lẽ chuyện đau lòng nhất là khi trái tim con người đã bắt đầu chai sạn, đâm ra dửng dưng hờ hững và không còn thấy đau lòng trước những chuyện rất đau lòng đó!

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng.

Saturday, August 16, 2014

THUYẾT PHÁP CỨU CÁNH

Thưở xưa, phần đông mọi người đều dùng chiếc đèn lồng bằng giấy để soi sáng đường đi. Ngày nọ, một anh mù tìm đến thăm bạn cũ, khi tạm biệt ra về thì trời đã tối, người bạn liền trao cho anh một chiếc cây đèn lồng để soi đường về nhà. Anh mù cảm ơn lòng tốt của bạn, cười nói:

- Tôi không cần đèn lồng đâu! Người mù như tôi thì sáng hay tối đều giống nhau.

Người bạn giải thích:

- Tôi biết. Nhưng nếu anh cầm đèn lồng thì mọi người trông thấy mà không đụng vào anh. Vì vậy anh cầm theo là tốt nhất.

Nghe người bạn nói có lý nên người mù cầm chiếc đèn lồng để đi về nhà. Nhưng đi chưa được bao xa thì bị một người đi ngược chiều đụng vào. Người mù tức giận mắng:

- Ông đi như thế nào vậy? Chẵng lẽ ông không thấy chiếc đèn lồng trong tay tôi sao?

Người đi đường xin lỗi rồi nói:

- Thưa anh! Chiếc đèn lồng của anh đã tắt từ lâu rồi.

Người mù nói:

- Đèn tâm của ông tắt đâu có liên hệ gì đến đèn lồng của tôi!

Thursday, August 14, 2014

HIS HOLINESS THE 14TH DALAI LAMA'S QUOTES - LỜI DẠY CỦA ĐỨC DALAI LAMA 14

Mentally, physically and emotionally we are the same. We each have the potential to good and bad and to be overcome by disturbing emotions such as anger, fear, hatred, suspicion and greed. These emotions can be the cause of many problems. On the other hand if you cultivate loving kindness, compassion and concern for others, there will be no room for anger, hatred and jealousy.


Chúng ta giống nhau về tinh thần, thân thể và cảm xúc. Mỗi người chúng ta đều có khả năng làm điều tốt và xấu, và có thể bị khuất phục bởi những cảm xúc phiền não như sân hận, sợ hãi, thù ghét, nghi ngờ và tham lam. Các cảm xúc này có thể là nguyên nhân của nhiều vấn đề. Mặt khác, nếu các bạn vun bồi lòng từ, bi và sự quan tâm đến tha nhân, sẽ chẳng còn chỗ cho sân hận, thù hằn và ganh tị.

NGƯỜI VIỆT ỒN ÀO

TS Nguyễn Hưng Quốc.

Trích:

“…Tính ồn ào chỉ là tàn tích của xã hội nông nghiệp. Ngay cả hiện nay, đa số người Việt Nam vẫn còn sống ở nông thôn. Tuyệt đại đa số người Việt Nam từ trung niên trở lên, ngay trong thành phần trí thức, cũng có gốc gác nông thôn.

Đời sống nông thôn khác đời sống thành thị ở nhiều phương diện,  nhưng quan trọng nhất, là ở quan hệ giữa nhà ở và nơi làm việc: cả hai, thật ra, là một. Nhà để ở đồng thời cũng để làm việc. Người ta may vá trong nhà, dệt cửi trong nhà, đan lát trong nhà. Người ta phơi lúa ngoài sân, giã thóc ngoài sân; nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt trong vườn; trồng trọt cây trái và rau cỏ cũng trong vườn. Nhà, do đó, được kiến trúc theo lối đa chức năng; rất ít khi chia phòng, ngay cả nhà của phú hộ. Ý niệm riêng tư hầu như không có. Ngủ, phần lớn là ngủ chung; ba bốn người trên chiếc giường. Giường, phần lớn đặt sát bên nhau, ở một góc nào đó, không có vách ngăn. Có khi người ta ngủ ngay trên chiếc phản đặt giữa nhà.

Từ nhà này sang nhà khác, cũng không ai cần báo trước. Cứ xồng xộc bước thẳng vào nhà. Không thấy chủ ở nhà trên thì đi thẳng xuống nhà dưới; không thấy nữa thì đi tuốt ra sau vườn. Nói chuyện, người ta cũng không cần đến gần nhau. Người mẹ vừa nấu ăn trong bếp vừa lớn tiếng la rầy con đang chơi trước sân, dặn dò chồng đang lúi húi đào đất sau vườn, hay tâm tình với bà hàng xóm bên cạnh. Không có ý niệm riêng tư, không ai “care” đến chuyện làm phiền người khác vì giọng nói hay tiếng cười rổn rảng hoặc chói lói của mình.”

Tôi không biết người Hoa Kỳ, nói chung, có trầm lặng hay không. Nhưng tôi biết chắc một điều: Người Việt Nam chúng ta, nói chung, rất ồn ào.

Tôi không nói đến những sự ồn ào khi xem bóng đá hay trong các cuộc tranh tài khác. Ở đâu cũng vậy. Văn hoá thể thao hay văn hoá lễ hội là văn hoá của đám đông và của sự ồn ào.
Ở đây, tôi chỉ giới hạn trong đời sống hàng ngày.

Với giới hạn như thế, tôi có cảm tưởng, sự ồn ào của người Việt Nam là một điều rất đáng nói.
Ồn ào từ ngoài đường phố. So với các đường phố trên thế giới, đường phố Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn, đứng đầu là Sài Gòn và Hà Nội, có hai đặc điểm nổi bật nhất: lộn xộn và ồn ào.

Chuyện lộn xộn thì chúng ta đã bàn trong bài về văn hoá giao thông; còn chuyện ồn ào thì cũng đã được nhiều người đề cập. Tôi đã từng nghe nhiều người bạn vốn du lịch nhiều, nhận xét: Chưa thấy đường phố nào ồn ào như đường phố ở Việt Nam. 

Đi xe, từ xe hơi đến xe gắn máy, người ta bóp kèn (còi) inh ỏi liên tục. Ở các quốc gia văn minh, lái xe, thỉnh thoảng chúng ta cũng bóp còi. Mục đích chủ yếu của việc bóp còi là để nhắc nhở chiếc xe phía trước điều gì đó, chẳng hạn, đèn đã xanh nhưng họ vẫn tiếp tục ngừng lại. Ở Việt Nam, bóp còi chủ yếu là để nhắc nhở những người lái xe khác, trước mặt và chung quanh, là mình đang... lái xe. Để họ nhường đường hoặc đừng quẹo ẩu. 

Thành ra, bắt chước Descartes, có thể nói, ở Việt Nam, “Tôi bóp còi, vậy tôi hiện hữu!” Hậu quả của “triết lý” đó là, theo ghi nhận của mấy người bạn và người quen của tôi, ở Việt Nam, hai bộ phận trong xe hơi và xe gắn máy dễ bị hư nhất là: kèn và thắng. Hầu như lúc nào chúng cũng hoạt động liên tục.

Ồn gần ngang ngửa với đường phố là chợ. 

Trong tiếng Việt có thành ngữ “ồn như chợ” hay “ồn như chợ vỡ”. Không có chợ nào đang hoạt động và có khách mà lại hoàn toàn im lặng. Nhưng độ ồn của nhiều chợ, nhất là các chợ ở Tây Phương, thường rất chừng mực. Nói cho đúng: ở đó có nhiều tiếng động hơn là tiếng ồn. Thỉnh thoảng có vài chợ, một lúc nào đó, có người cầm loa phóng thanh quảng cáo hay chào mời khách hàng. Nhưng, thường, trong cả chợ, chỉ có một vài người chào mời hay quảng cáo như thế. Khi cửa hàng này dùng loa phóng thanh thì cửa hàng khác im lặng. Chợ Việt Nam, ngược lại, hầu như lúc nào cũng ồn. Tiếng chân lê trên dép nhựa. Tiếng chào hàng. Tiếng trả giá. Tiếng cãi cọ. Tiếng cười nói. Tiếng nhạc mở từ trong các tiệm. Ồn nhất là tiếng rao hàng. Ra ngoại quốc, người Việt Nam vẫn giữ nguyên thói quen rao hàng rất ồn ào như thế. Cứ vào các khu chợ Việt Nam thì thấy. Đại khái: “Xoài tươi, 20 đô la một thùng đây! Mại dzô!”, “Sầu riêng mới nhập từ Thái Lan, 3 đô một ký đây! Dzô đi bà con ơi!”. Thường người ta không nhường nhau. Mạnh ai nấy gào thét, la hét. Người bên cạnh la to thì mình cố gào cho to hơn nữa. Cuộc chiến giành khách được thể hiện, trước hết, bằng độ lớn của những tiếng mời khách.

Cũng ngang ngửa với chợ là quán nhậu. 
Vào các quán bia rượu của phương Tây, người ta dễ thấy cảnh từng nhóm ngồi vừa uống vừa chuyện trò rù rì với nhau. Ở các quán nhậu Việt Nam thì khác hẳn. Nhậu, người Việt Nam thường có một thói quen mà người ngoại quốc hiếm khi có: ép. Uống một mình hình như người ta không thấy... vui. Người ta phải mời người khác: “Cụng ly!” Vào cuộc, cụng. Nhậu ngà ngà rồi, cũng cụng. Đã ngất ngư, cũng cụng nữa. Người nào không tự nguyện cụng ly thì bị ép. Trong quán nhậu, lúc nào cũng nghe lảnh lói những tiếng mời ép như tiếng hô xung trận: “Dzô!” hay “Trăm phần trăm!” Ngoài chuyện mời hay ép, người ta còn bày cách phạt nhau. Đến muộn: phạt! Uống ít, phá mồi nhiều: phạt! Uống mà không say thì không “đã”. Mà đã say thì nói nhiều. Nhiều nhất là chuyện tiếu lâm. Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong các quán nhậu, lâu lâu người ta lại cười rú lên.

Ngay trong các lớp học, người Việt Nam cũng ồn. Lớp toàn sinh viên Việt Nam càng ồn. Ở các lớp xen kẽ vừa sinh viên ngoại quốc vừa sinh viên Việt Nam, theo kinh nghiệm đi dạy gần cả 20 năm của tôi, đám sinh viên Việt Nam cũng thường có thói quen nói chuyện trong lớp nhiều nhất. Trong các cuộc họp hành hay hội nghị cũng thế. Trên bục, diễn giả cứ nói; ở dưới, thính giả cứ tự nhiên chụm đầu vào nhau rì rầm. Thỉnh thoảng lại cười rinh rích trông rất hả hê.

Nhưng không phải chỉ ở ngoài đường, ngoài chợ, trong quán nhậu, trong lớp học hay hội trường, người Việt Nam mới ồn. Tôi muốn nói thêm: ở đâu người Việt Nam cũng ồn. Cái ồn không ở hoàn cảnh mà ở cái giọng. Nói chung, theo tôi, phần lớn người Việt Nam có giọng nói và tiếng cười khá to. Dĩ nhiên không phải tất cả. Nhưng có nhiều, rất nhiều. Có thể nói là đa số.

Ở trường học, ngồi trong văn phòng, nghe rộ lên những tiếng cười rổn rảng; chưa kịp nghe giọng, tôi đã biết ngay: người Việt Nam! Thỉnh thoảng cũng nhầm: không phải người Việt Nam. Mà là người Trung Quốc! Thì cũng... đồng văn cả!

Thật ra, nếu đi thi giọng, chưa chắc giọng người Việt Nam đã lớn. Có khi ngược lại. Có điều, ở chỗ công cộng, người Tây phương thường hãm âm thanh lại cho... vừa đủ nghe. Còn người Việt Nam thì không. Ở đâu và lúc nào cũng thường chỉ có một “volume”. Lại là volume ở độ cao nhất.
Tại sao có hiện tượng như thế?

Trong cuốn Người Trung Quốc xấu xí (bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ, nxb Văn Nghệ, California, 1991), Bá Dương cũng ghi nhận là người Trung Quốc, đặc biệt là người Quảng Đông, cũng rất ồn ào. Ông cũng đặt câu hỏi: Tại sao? Rồi ông trả lời: “Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng là mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình.” (tr. 40).

Tôi không nghĩ đó là trường hợp của người Việt Nam. Tôi cho tính ồn ào chỉ là tàn tích của xã hội nông nghiệp. Ngay cả hiện nay, đa số người Việt Nam vẫn còn sống ở nông thôn. Tuyệt đại đa số người Việt từ trung niên trở lên, ngay trong thành phần trí thức, cũng có gốc gác nông thôn.

Đời sống nông thôn khác đời sống thành thị ở nhiều phương diện, nhưng quan trọng nhất, theo tôi, là ở quan hệ giữa nhà ở và nơi làm việc: cả hai, thật ra, là một. Nhà để ở đồng thời cũng để làm việc. Người ta may vá trong nhà, dệt cửi trong nhà, đan lát trong nhà. Người ta phơi lúa ngoài sân, giã thóc ngoài sân; nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt trong vườn; trồng trọt cây trái và rau cỏ cũng trong vườn. Nhà, do đó, được kiến trúc theo lối đa chức năng; rất ít khi chia phòng, ngay cả nhà của phú hộ. Ý niệm riêng tư hầu như không có. Ngủ, phần lớn là ngủ chung; ba bốn người trên chiếc giường. Giường, phần lớn đặt sát bên nhau, ở một góc nào đó, không có vách ngăn. Có khi người ta ngủ ngay trên chiếc phản đặt giữa nhà.

Từ nhà này sang nhà khác, cũng không ai cần báo trước. Cứ xồng xộc bước thẳng vào nhà. Không thấy chủ ở nhà trên thì đi thẳng xuống nhà dưới; không thấy nữa thì đi tuốt ra sau vườn. Nói chuyện, người ta cũng không cần đến gần nhau. Người mẹ vừa nấu ăn trong bếp vừa lớn tiếng la rầy con đang chơi trước sân, dặn dò chồng đang lúi húi đào đất sau vườn, hay tâm tình với bà hàng xóm bên cạnh. Không có ý niệm riêng tư, không ai “care” đến chuyện làm phiền người khác vì giọng nói hay tiếng cười rổn rảng hoặc chói lói của mình.

Ở thành thị thì khác. Nơi ở và nơi làm việc thường là hai không gian khác nhau. Sáng, người ta đến hãng, sở hay công ty làm việc với nhiều người khác: đó là không gian lao động và cũng là không gian công cộng. Tối, người ta mới về nhà nghỉ ngơi: Nhà trở thành không gian để nghỉ ngơi và hoàn toàn có tính chất riêng tư. Để bảo vệ tính riêng tư, nhà người ta lúc nào cũng cửa đóng then cài. Ngay trong nhà, giữa người này và người nọ cũng có những sự riêng tư nhất định. Mỗi người một phòng riêng. Không phải lúc nào người ta cũng có thể xồng xộc vào phòng nhau. Thậm chí, ở phòng này, người ta cũng không muốn làm phiền người ở phòng bên cạnh. Nhạc chỉ mở vừa đủ cho mình nghe. Và nói, người ta cũng chỉ nói vừa đủ cho người đối thoại nghe. Tiếng ồn, do đó, bị xem như một sự xúc phạm và vi phạm vào sự riêng tư của người khác. Có thể nói “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe” hầu như là quy luật của đời sống thành thị.

Những thói quen ăn to nói lớn, bất chấp sự riêng tư và quyền có sự im lặng của người khác được nuôi dưỡng trong nền văn hoá nông nghiệp kéo dài cả hàng ngàn năm ăn sâu vào chúng ta, không dễ gì mai một, ngay khi chúng ta đã ở thành phố, kể cả các thành phố đã được đô thị hoá rất cao ở phương Tây. Còn ở các thành phố mang nhiều chất nông thôn như ở Việt Nam thì khỏi phải nói.
 
Sự tồn tại của người-Việt-ồn-ào không chừng còn lâu. Có khi sang tận thế kỷ 22.

Wednesday, August 13, 2014

GOOD KARMA - THIỆN NGHIỆP


GOOD ACTIONS – GOOD KARMA – THIỆN NGHIỆP

Hành động thiện cần được thực hiện trong sự sáng suốt, biết rằng nếu không làm thế, ta chỉ đem lại đau khổ cho chính mình. Tâm thiện là điều tiên quyết giúp ta sống an bình, hoà nhịp với chính ta, với tha nhân.

Nghĩ đến kết quả là có sự chờ đợi, mong mỏi, bám víu. Sự mong mỏi dẫn ta đến tương lai hơn là trụ ở giờ phút hiện tại. Năm phút tới thì sao? Ngày sau, tháng sau, năm sau, năm năm sau, mười năm sau, hai mươi năm sau? Hay kiếp sống sau, hay kiếp sống sau nữa, hay sau sau nữa, kiếp sống nào?

Hành động thiện đúng ra phải được thực hiện với tất cả, trọn vẹn cái tâm đến nỗi không còn có thể nghĩ đến gì khác nữa. Nhưng nếu như có điều gì khác nữa chen vào, lúc đó trí tuệ sẽ bảo cho ta cách chọn lựa đúng.

Khi hai người CÙNG THỰC HIỆN MỘT HÀNH ĐỘNG, họ sẽ KHÔNG có CÙNG MỘT NGHIỆP QUẢ.

Đức Phật so sánh việc tạo nghiệp ác của hai người với bỏ một muỗng muối vào ly nước hay bỏ xuống một hồ nước.

Ly nước muối sẽ không uống được nhưng hồ nước có gì thay đổi đâu!

Cũng như thế, với người có cả “một dòng sông thiện” thì một hành động sai quấy cũng không ảnh hưởng nhiều.

Nhưng nếu ta chỉ có một “ly nước phước báu” thì chỉ một hành động sai quấy cũng đủ làm cay đắng cả cuộc đời.

Vì ta không biết mình đã tạo tác ra những gì ở các kiếp sống trước, tốt hơn hết là giả thuyết rằng phước báu của ta chỉ đầy một ly nước.

Đôi khi, ta thường tự hỏi tại sao có những người làm bao điều tàn ác, chuyên chế, bạo ngược, dối trá...mà vẫn sống giàu có, có chức quyền. Gia đình, tiền bạc, sức khỏe đều tốt lành. Tại sao họ không bị trừng phạt?

Họ chưa bị trừng phạt đó thôi!

Họ sẽ lãnh những hậu quả của việc họ làm. Không có gì gọi là tai nạn hay may rủi. Không có gì xảy ra ngẫu nhiên trong vũ trụ này. Nghiệp của ta cũng thế.

Nghiệp không phân biệt, ta nên nhớ điều đó! Nghiệp không biết thiên vị ai. Nó là nhân quả. Nghiệp không để ý đến người hành động.

Những gì đã được giữ trong dòng sông nhân, sẽ ở đó và sẽ tựu quả khi “chín mùi”.

- Ayya Khema.

Theo quan niệm Nghiệp lực, quy luật Nhân Quả (Cause and Effect Law):

Người ham học sẽ được sáng dạ. Người hay giúp người khác sẽ gặp người ơn. Hai người yêu nhau thật sự sẽ gặp lại nhau để chung sống. 

Kẻ dối trá sẽ bị lừa đảo. Kẻ ích kỷ sẽ bị cô đơn. Kẻ bủn xỉn sẽ bị nghèo khổ.

Kẻ ghét nhau cũng sẽ gặp lại vì còn nợ nần nhau. Kẻ thù nhau cũng gặp nhau lại để báo oán.
 Kẻ giết người sẽ bị giết lại.

Những hoàn cảnh đó xuất hiện một cách tự động, diễn ra một cách tự nhiên, không cần ai xem xét và dàn xếp.

Trích trong "Lưới Trời Ai Dệt" của TS Nguyễn Tường Bách.

THẾ HỆ CỦA TÔI – MỘT THẾ HỆ VỨT ĐI

Tác giả: Tiểu Bối.

Chú ý: bài viết có thể gây sốc (shock).

(Viết cho những người bạn của tôi và diễn đàn Wegreen Vietnam)

Bạn của tôi ạ, bạn hỏi tôi đang nghĩ gì trong đầu ư?

Tôi cũng như bạn vậy. Tôi không hiểu các bạn nghĩ gì trong đầu.

Các bạn không thấy một ngày của các bạn trôi qua buồn tẻ sao. Các bạn trao nhau những câu từ nhạt thếch. Các bạn tung ảnh tự sướng. Các bạn vào mạng xã hội chửi một thằng hiếp dâm, một thằng đâm cha, chém mẹ và châu đầu vào cái quần lót của một người mẫu để mà bình phẩm v.v. Các bạn tung tăng khắp nơi, trợn mắt dòm dòm từ cái chuồng xí trở đi, miệng trầm trồ xuýt xoa: “Ồ, lạ quá, đẹp quá!” Các bạn về ưỡn bụng, vắt chân chữ ngũ mà thầm nhủ ta là người hạnh phúc nhất đời.

Các bạn có bao giờ mơ thấy những gì lớn lao hơn chuyện ngày mai sẽ sống thế nào chăng? Tôi chắc là không. Cái xã hội này đã dạy cho các bạn cách sống mà chẳng cần phải tư duy gì cả rồi. Các bạn chẳng cần tri thức, chẳng cần sự thật. Các bạn thậm chí cũng chẳng cần bộ não nữa. Cứ cột các bạn lại, như cột những con cừu ấy, rồi ném cho mỗi người một bó cỏ. Thế là xong!

Các bạn có dám dấn thân vào cuộc sống này không, có dám thay đổi cuộc sống này không? Các bạn có thấy buồn không khi hòa bình đã bốn chục năm mà đất nước vẫn chưa có nổi một ngày sung sướng? Các bạn có thấy nhục nhã không khi từng tốp sinh viên Việt Nam vừa dí bưu ảnh vào mặt người nước ngoài vừa giải thích bằng thứ tiếng Anh lắp ba lắp bắp: “Đây Việt Nam, đây Hồ Hoàn Kiếm, đây Hoàng Thành!” Người ta quan tâm đến cái xứ này cũng chẳng nhiều hơn họ quan tâm đến sao Hỏa. Mà có khi còn chẳng bằng đâu các bạn ạ!

Các bạn có đau không khi mảnh đất quê hương mình bị người ta xâu xé, khi đập thủy điện bị vỡ, khi đồng bào các bạn lang thang không cửa không nhà? Các bạn có buồn không khi tổ quốc nghẹn ngào nhìn “người lạ” lấn dần từng phân đất, từng mảnh rừng đầu nguồn và chở đi từng tấn tài nguyên. Các bạn có muốn khóc không khi một ông già cúi gập người bôi xi lên giày của một ông Tây và rưng rưng cảm kích với mấy đồng tiền lẻ nát?
Tất cả nỗi đau hằn xuống mảnh đất này có đáng làm cho các bạn quan tâm hơn một cái túi xách Gucci, một hốt–gờ (hotgirl) hở trên hở dưới hay chẳng may toạc váy hở nội y, hay một cô ca sĩ hay người mẫu mới nổi với những phát biểu “đầy chất xám”, một trận đấu bóng hay một cuốn tiểu thuyết ba xu không? Muốn hiểu được nỗi đau các bạn chẳng cần tìm chúng trong một cuốn tiểu thuyết ba xu làm gì. Cách các bạn không xa, người ta đang khóc, người ta đang phải gồng mình lên mà chống chịu và nuốt nước mắt vào trong lòng. Một con đê đang vỡ. Một con tàu sắp chìm. Rất nhiều tập đoàn kinh tế vỡ nợ mà chính các bạn phải gánh lấy phần trả nợ. Một khúc sông sắp mất. Người dân ngậm đắng nhìn từng tấc đất có máu thịt tổ tiên bị mất.

Còn các bạn thì sao? Các bạn ở trong nhà, trùm chăn kín đầu, đánh đánh gõ gõ trao cho nhau những lời nhạt phèo và foward những tin nhắn vô vị. Tôi không nói như thế tức các bạn phải ôm súng xông ra chiến trường hay phải đao to búa lớn hay phải là cái gì cho lớn lao. Mà rằng các bạn chẳng thiết làm gì cả, chẳng thiết tìm hiểu, chẳng thiết suy ngẫm, chẳng thiết tìm tòi.

Tất nhiên khi đọc đến đây, các bạn sẽ tấn công lại cá nhân tôi bằng những câu hỏi đại loại như sau: “Thế mày đã làm được cái quái gì ra hồn chưa mà lớn tiếng la lối và chỉ trích?” Tất nhiên tôi sẽ thẳng thắng trung thực trả lời, tôi cũng không khác mấy các bạn là bao, bởi thế hệ chúng ta – Một thế hệ vứt đi! Tôi cũng sẽ thành thật trả lời rằng:

– Tôi vẫn không biết phải làm thế nào để ngư dân Việt Nam không bị tàu lạ đánh, có nói gì, làm gì cũng không làm các ngư dân có cái ăn và những người đã chết sống lại.

– Tôi chả làm gì được để khiến những tệ nạn chấm dứt.

– Tôi chả làm gì được để khiến các ông lãnh đạo hết tham nhũng và dân bớt khổ.

– Tôi cũng chả làm gì được để làm cho điện hết cúp và giao thông hết tắc, và xăng thôi không tăng giá.

– Tôi chả làm gì được hay có giải pháp gì làm cho cô gái trẻ ở các tỉnh nghèo ngưng đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc...

– Tôi không biết làm gì hay có kế sách gì để khiến các người dân nghèo thôi bán nhà sang xuất khẩu lao động ở Malaysia hay Đông Âu.

– Tôi chả biết làm gì để ngăn các cô gái trẻ không lơ ngơ bị lừa sang làm điếm ở Campuchia.

– Tôi vẫn không biết làm thế nào để các tập đoàn kinh tế bớt làm ăn thất thoát, kém hiệu quả, tham nhũng tràn lan.

– Tôi chả biết làm gì, và làm thế nào để blah blah blah.

Tôi biết bạn sẽ chúng ta sẽ chẳng làm dược gì hơn, nhưng bạn ạ, chúng ta, khi chưa có một hành động thực sự cụ thể và một giải pháp rõ ràng, ít nhất có thể lên tiếng để làm thức tỉnh và tác động. Một hành động nhỏ nhoi là quan tâm và lên tiếng vẫn còn hơn ngồi yên đó thụ động chết chìm trong ảo tưởng và tự thõa mãn tự phong.

Và tôi đã sống và tôi đã hiểu tại sao cái xã hội này vô cảm đến vậy, vô tâm đến vậy rồi. Vì nơi đó còn một lớp người không biết tư duy, không ý chí tiến thủ, không tri thức, không nghị lực, không ước muốn, không lý tưởng, không cả niềm tin? Họ giới hạn hạnh phúc của mình trong hai mươi mét vuông nhà, bàn chuyện thiên hạ và tính xem ngày mai nên đi xem phim hay lượn phố. Họ không đòi hỏi một điều gì hết, họ không ý thức được vị trí của mình, chẳng cần rung động, chẳng cần xót xa. Họ chẳng có động lực để làm bất cứ điều gì trừ khi người khác lấy roi quất vào mông họ.

Gần 3 giờ rưỡi sáng.

OH, Chủ Nhật, ngày 7/10/2012.

Tuesday, August 12, 2014

NGƯỜI CHA, HỦ VÀNG VÀ CON CHÓ

Thời Đức Phật còn tại thế, có ông trưởng giả nhà kia nuôi một con chó rất thông minh, nhưng tính nó rất hung dữ, hễ thấy ai vào nhà thì đều sủa inh ỏi và lao vào muốn cắn. Vì thế nên khi ai muốn vào nhà ông trưởng giả thì phải đứng ngoài ngõ, ngoài cửa gọi người trong nhà lấy đồ ra thì mới không bị con chó cắn, nếu không biết mà cứ đi vào lấy đồ ra khỏi nhà thì bị con chó cắn.

Ông trưởng giả thương con chó lắm. Khi cho con chó ăn thì ông cho các thức ăn ngon, ngủ thì cho ngủ trên ván có chiếu, nệm ấm. Mỗi khi ông đi đâu về thì con chó chạy ra mừng quấn quít.

Thật ra trước đây có ông trưởng giả nọ, chôn một hũ vàng nhưng không cho vợ con biết. Lúc lâm chung, ông vẫn còn mến tiếc tiền của, nhất là hủ vàng của ông chôn. Khi chết rồi, ông tái sinh làm con chó giữ nhà cho con trai ông.

Một hôm, khi ông trưởng giả đi khỏi, Đức Phật khất thực đi ngang nhà ông. Con chó chạy ra sủa, muốn cắn Đức Phật.

Đức Phật nói:

- Nhà ngươi kiếp trước tham lam, keo kiệt lại nham hiểm độc ác, tiếc của nên phải đọa làm thân chó. Vậy mà vẫn không biết ăn năn, hối cải, lại còn sân hận, hung dữ. Sau khi bỏ thân chó, phải bị đọa địa ngục, chịu đau khổ lâu dài.

Con chó nghe nói thế liền chạy vô ván nằm, nhắm mắt, im lìm, buồn bã.

Khi ông trưởng giả về nhà không thấy con chó ra mừng, ông hỏi người nhà. Người nhà nói:

- Sáng nay, khi có ông Sa môn Cù Đàm đi ngang, con chó chạy ra sủa. Không biết ông Sa môn Cù Đàm nói gì với nó mà nó buồn ăn, bỏ uống, nằm thiêm thiếp.

Ông trưởng giả nghe nói nổi giận, liền đi đến chỗ Đức Phật để hỏi ra lẽ. Khi đến chốn chỗ Đức Phật, ông nói:

- Này! Ông Sa môn Cù Đàm! Ông dùng thủ thuật gì mà làm cho con chó của tôi bệnh, bỏ ăn vậy? Nếu nó có chuyện gì, ông phải chịu trách nhiệm!

Đức Phật trả lời:

- Này ông trưởng giả! Ông hãy bình tĩnh, ngồi xuống đây nghe ta nói. Ông không biết con chó ấy chính là cha ông. Vì cha ông, khi sinh tiền, không biết tu phước, tham lam, keo kiệt và tiếc của nên phải đọa làm kiếp con chó.

Khi nghe lời nói này thì ông trưởng giả lại càng nổi giận hơn. Ông nói:

- Sa môn Cù Đàm! Ông căn cứ ở đâu mà nói như thế?

Phật nói:

- Nếu ông không tin, ông hãy về ngồi bên con chó mà nói: ‘Cha thân yêu, của cải cha chôn giấu ở đâu? Cha chỉ cho con để con lấy lên làm phước và cầu siêu độ cho cha.’

Khi ông trưởng giả về nhà và làm như vậy, con chó vùng dậy, chạy ra sau nhà, đến gốc cây khế, lấy hai chân bới đất lên. Ông trưởng giả cho người đào lên, quả thật có một hũ vàng. Ông nửa mừng nửa tủi. Người chủ nhà làm theo lời Đức Phật dạy, đem toàn bộ số vàng ấy làm công đức phóng sinh và hồi hướng công đức ấy cho cha mình.

7 ngày sau, con chó thoát kiếp.

Một hôm, anh nằm ngủ, thấy cha mình xuất hiện trong mơ, rất hoan hỷ, nói rằng nhờ công đức phóng sinh và làm điều thiện của con mà cha đã thoát khỏi kiếp súc sinh.

Trích trong quyển “SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA”.