Friday, August 8, 2014

CÁC KIỂU TÍNH CÁCH – PERSONALITY TYPES

Trích:

“…Một tính cách cân bằng bao gồm cả hai kiểu hướng nội và ngoại nhưng thường thì một cái chiếm ưu thế, cái kia chìm vào vô thức. Không ai sống toàn vẹn một kiểu tính cách. Dù vậy, trong những khoảnh khắc nào đó, vô thức vẫn xảy ra theo một cách không định trước…”


Đóng góp của Carl Jung, bác sĩ tâm thần, một nhà tâm lý học Thụy Sĩ lừng danh, về hữu thức bao gồm phần quan trọng về các kiểu tính cách.

Ông nổi tiếng nhờ thành lập một trường phái Tâm lý học mới có tên là “Tâm lý học phân tích” – “Analytical psychology” nhằm phân biệt với trường phái “Phân tâm học” – “Psychoanalysis” của Sigmund Freud.

Trong nỗ lực chia nhân cách thành các kiểu đã có một lịch sử lâu dài. Theo lối cũ, người ta thường chia làm 4 loại tính cách:

1. Tính cách mở.

2. Tính cách lạnh.

3. Tính nóng.

4. Tính u sầu.

Dựa vào những kiến thức hiện đại, Carl Jung và Kretschmer chia loài người thành hai loại chính:

1. Loại hướng nội.

2. 
Loại hướng ngoại.

Trước một tình huống xảy ra, người hướng nội thường phản ứng tức thì là một tiếng "Không" trong suy nghĩ và sau đó mới có phản ứng.

Người hướng ngoại, trong tình huống tương tự, phản ứng tức thì, trông rất tự tin rằng mình đúng rõ ràng.

Người hướng nội thường có phản ứng ban đầu là chối bỏ đối tượng bên ngoài, sau đó mới chấp nhận từ từ.

Người hướng ngoại thì hướng năng lượng ra ngoài, thích thú với các trò chơi, cuộc thi sự kiện, đồ vật và con người. Anh ta thường bị thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài. Người hướng ngoại thường quảng giao và dễ thích nghi, dễ gần, thậm chí khi gặp bất đồng, người hướng ngoại thường tìm cách tiếp cận thay vì bỏ trốn. Họ thích tranh cãi, thích áp đặt ý mình cho người khác.

Người hướng nội, thông thường hướng năng lượng vào bên trong, tập trung vào những nhân tố chủ quan, bên trong, tưởng tượng và thường bị chi phối bởi thúc bách nội tâm. Họ thường thiếu tự tin trong quan hệ xã giao, có khuynh hướng trở nên khó gần, không ưa hoạt động. Họ thường nhìn thấy các khuyết điểm của người khác hơn là ưu điểm nên dễ dẫn đến hiểu nhầm người khác. Lâu dần, có thể hình thành các cách ứng xử chống đối, tâm lý mâu thuẫn, dao động trong các giá trị và cách sống.

Ở phương Tây, người hướng ngoại được ưa chuộng hơn. Họ thường được mô tả là cởi mở, dễ bảo. Người hướng nội thường được gán cho cái mác là coi mình là trung tâm.

Một tính cách cân bằng bao gồm cả hai kiểu hướng nội và ngoại nhưng thường thì một cái chiếm ưu thế, cái kia chìm vào vô thức. Không ai sống toàn vẹn một kiểu tính cách. Dù vậy, trong những khoảnh khắc nào đó, vô thức vẫn xảy ra theo một cách không định trước.

Chẳng hạn, một người hướng nội tính trầm và nhút nhát, bỗng nhiên lại rất nhiệt tình và lanh lợi trong những lĩnh vực mà anh ta thực sự thích nhưng không thể coi anh ta là hướng ngoại. Lúc hứng khởi, chẳng hạn anh ta sẽ nói huyên thuyên về một loài chim lạ với một người chả có chút hứng thú nào.

Những hiểu nhầm hay xảy ra giữa một người thiên về hướng nội và một người thiên về hướng ngoại.

Sự khác nhau giữa hướng nội và hướng ngoại dường như được biểu hiện trong giai đoạn rất sớm của cuộc sống, do đó có thể dựa vào đó để nói là do bẩm sinh. Người ta có thể nhìn thấy cả người hướng ngoại và hướng nội trong cùng một gia đình nhưng thật không may cho người hướng nội, đôi lúc họ bị cái bóng của những người anh chị em hướng ngoại của mình che lấp.

Dấu hiệu sớm nhất của người hướng ngoại là thích nghi một cách nhanh chóng và rất chú ý tới bên ngoài, đặc biệt là những đối tượng tác động lên chúng. Chúng không hề e dè, cứ lớn và sống với sự tin tưởng. Chúng dễ chấp nhận, theo cách thức tự do. Nhìn từ ngoài, chúng có vẻ phát triển nhanh hơn trẻ hướng nội vì chúng ít thận trọng và đương nhiên, ít sợ hãi. Có cảm tưởng như không có rào cản giữa chúng và đối tượng bên ngoài nên chúng có thể chơi đùa tự do và học hỏi thông qua đó. Chúng rất thích chơi để học, thích mạo hiểm, có khuynh hướng cực đoan khi chơi. Chúng bị cuốn hút bởi tất cả những gì bí mật.

Kiểu hướng ngoại dễ thân thiện với cả gia đình và nhà trường. Chúng được mô tả là "ngoan", "dễ bảo" và thường thì được đánh giá cao hơn năng lực thực tế, nhất là trong những lúc khởi đầu, khi năng lực của chúng gây được ấn tượng tốt.

Trẻ hướng nội thì hay xấu hổ và nhút nhát. Chúng ngại rơi vào các hoàn cảnh mới, thậm chí tiếp cận đồ vật lạ với thái độ thận trọng, đôi khi cả sợ hãi. Chúng thích chơi một mình, thích sở hữu riêng hơn là chơi và sở hữu với bạn bè. Bởi vì biết là hướng ngoại được ưa thích hơn, những trẻ hướng nội thường hay lo âu trước bố mẹ nhưng thực tế thì chúng cũng "bình thường" và thông minh như những đứa trẻ khác. Chúng hay trầm ngâm và nghi ngờ, thường có một cuộc sống tưởng tượng phong phú. Điều chúng cần nhất có lẽ là thời gian để phát triển những sở đoản và học cách sống thoải mái như ở nhà trong xã hội.

Những người hướng ngoại trưởng thành thì dễ gần, họ dễ giao lưu và thích thú với xung quanh. Họ thích tổ chức, kết bạn, hội hè. Thường thì họ nhanh nhẹn và xét toàn cục, họ có ích; đấy là kiểu người thích hợp với kinh doanh và hoạt động xã hội. Những trí thức hướng ngoại có nhiều phẩm chất tương đồng và họ thường làm việc tập thể rất có hiệu quả; tạo những mối quan hệ tốt...

Người hướng ngoại lạc quan và nhiệt tình nhưng sự nhiệt tình đó không phải bao giờ cũng tốt. Cũng như vậy, họ có thể dễ dàng tạo và huỷ bỏ các mối quan hệ một cách nhanh chóng.

Điểm yếu của người hướng ngoại là khuynh hướng thiển cận và phụ thuộc vào việc tạo ra các ấn tượng mạnh, trong đó họ vừa là nguời diễn, vừa là khán giả. Họ không thích một mình và ít suy ngẫm, do đó ít khi tự phê. Do đó, họ thường quyến rũ bên ngoài hơn là gia đình, nơi họ bị nhìn thực đúng với thực chất hơn. Bởi vì họ dễ được xã hội chấp nhận, nên họ cũng dễ dàng chấp nhận đạo đức cũng như sự phê phán và dễ sống theo khuôn phép, truyền thống; do đó họ là những người tuyệt đối cần thiết và hữu dụng cho bất cứ cộng đồng nào.

Người hướng nội, không thích giao du và thường cảm thấy cô đơn trong chỗ đông người. Họ hay  nhạy cảm và sợ bị cười. Thông thường, họ kém năng lực trong giao tiếp, cư xử và thường vụng về, trực tính, tỉ mỉ, đôi lúc đến nực cười. Họ thường sống rất có lương tâm, bi quan, khó tính và thường ít bộc lộ những phẩm chất tốt nhất của mình, do đó thường dễ bị hiểu nhầm.

Bởi vì họ thường chỉ nhìn thấy những điều gần với mình, thiện chí với mình nên họ thường kém quan sát và do vậy, kém thành đạt hơn người hướng ngoại. Bởi vì thường không sử dụng sức lực để gây ấn tượng với người khác hoặc lãng phí thông qua các hoạt động xã hội vô bổ nên họ thường có những kiến thức ít phổ thông và có thể phát triển một số năng khiếu trên mức trung bình.

Người hướng nội thường ở trạng thái tốt nhất khi một mình hay trong một nhóm nhỏ những người quen. Họ thích triết lý và sách vở, ít hứng thú với các hoạt động. Họ thường có cái nhìn phê phán hơn là chấp nhận. Họ hay dị ứng với những cái được tung hô. Cách nhìn phê phán độc lập và ít tuân thủ khuôn phép có thể có giá trị nếu được hiểu đúng và được dùng. Bù lại sự thiếu linh hoạt, họ có thể là những nguời bạn tốt và trung thành.

Thật không may là hai kiểu người này có xu hướng nhìn thấy những mặt xấu của nhau: người hướng ngoại coi kẻ hướng nội như là kẻ lấy mình là trung tâm và đần độn; người hướng nội nhìn kẻ hướng ngoại là hời hợt, không chân thành.

No comments:

Post a Comment