Thursday, August 7, 2014

ĐẠO HIẾU DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO – THIỀN TÔNG CHƯ PHẬT KHÔNG DỐI

Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận sau khi xuất gia, nghĩ rằng:

- Ta cần phải vứt bỏ ân tình, đạt đến chỗ vô vi, đó mới là sự báo ân chân thật.

Do đó, Ngài trải qua ba mươi năm đời sống thiền giả mà chưa từng trở về quê hương thăm viếng người thân nhưng sâu thẳm trong tâm hồn thì luôn nhớ đến mẹ già. Lúc năm mươi tuổi, có một lần trên đường đi tham vấn, Ngài tình cờ trở về lại quê hương.

Mẫu thân Ngài thì lúc nào cũng nghĩ nhớ đến đứa con xuất gia của mình nhưng hoàn toàn không có một chút tin tức gì. Mỗi ngày từ sáng cho đến tối, bà chỉ biết buồn thương khóc lóc, đến nỗi hai mắt đều bị mù. Vì thương nhớ con nên bà dựng một tiệm trà ở bên cạnh đường, không chỉ đích thân tiếp đãi những vị tăng hành cước qua lại mà còn mời họ về nhà rửa chân để tỏ lòng kính lễ.

Ngoài ra còn có một nguyên nhân khác, là ở trên chân trái của Thiền sư Hoàng Bá có một vết sẹo lớn. Tuy bà không còn nhìn thấy gì cả, nhưng rất hy vọng trong một phần vạn cơ hội rửa chân cho các vị tăng hành cước mà có thể nhận ra ai là đứa con yêu quý nhất của bà.

Hôm ấy, Thiền sư Hoàng Bá cũng được mẫu thân tiếp đãi, Ngài vừa để cho mẫu thân rửa chân, vừa kể câu chuyện Đức Phật đi xuất gia cho mẫu thân nghe, với hy vọng mẫu thân nhân đây có được lòng tin và an tâm trong lúc tuổi già. Thiền sư Hoàng Bá chỉ đưa chân phải cho mẫu thân rửa, chớ không đưa chân trái.

Thiền sư Hoàng Bá trở về nhà hai lần liên tiếp, tuy trong lòng cảm thấy vấn vương nhưng cố nén buồn thương để tiếp tục vân du bốn phương tham học. Những người hàng xóm không đành lòng thấy mẹ Ngài chịu khổ, nên nói ra sự thật:

- Người kể câu truyện Đức Phật đi xuất gia cho bà nghe, đó chính là người con yêu quý mà bà hằng mong đợi.

Mẹ Ngài nghe xong, gần như phát cuồng, nói:

- Hèn chi tiếng nói như con trai của tôi!

Nói xong bà liền chạy đuổi theo, khi đến bên bờ sông lớn thì Thiền sư Hoàng Bá đã lên thuyền, mà thuyền cũng vừa ra khơi. Mẹ Ngài trong lúc nóng lòng đã sơ ý rơi tuốt xuống sông, chẳng may bị nước nhận chìm mà chết.

Thiền sư Hoàng Bá nhìn thấy mẫu thân trượt chân rơi xuống nước chết chìm, trong lòng không ngăn được buồn thương, nên khóc nức nở, nói:

- Một người con xuất gia, chín họ được phước báu. Nếu chẳng đúng như thế, thì chư Phật[1] đã nói dối.

Thiền sư Hoàng Bá nói xong, liền quay thuyền trở lại, hỏa táng mẫu thân và nói một bài kệ:

我母多年迷自心
如今華開菩提林
當來三會若相
歸命大悲觀世音

Ngã mẫu đa niên mê tự tâm,
Như kim hoa khai Bồ-đề lâm.
Đương lai tam hội nhược tương trực,
Quy mạng đại bi Quán Thế Âm.

Dịch:

Bấy lâu lòng mẹ tôi mê,
Giờ đây dứt sạch Bồ-đề nở hoa.
Đời sau ba hội[2] gặp qua,
Cùng nhau quy phục Phật bà Quán Thế Âm.

Khi Thiền sư Hoàng Bá nói kệ, những người hàng xóm đều thấy thần thức mẫu thân của Ngài ở trong ngọn lửa bay lên hư không mà đi.

Lời bình:

Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận là người Phúc Kiến, xuất gia ở Giang Tây, thọ pháp với Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải nhưng cũng được Thiền sư Nam Tuyền ấn chứng.

Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận không phải là một người con bất hiếu.

Nói về hiếu thuận thì có ba:

1. Tiểu hiếu: Ngoan hiền, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

2. Trung hiếu: Làm cho tổ tông được rạng rỡ.

3. Đại hiếu: Độ cho tâm (thức) - thần thức của cha mẹ khi qua đời được giác ngộ, siêu thoát.

Thiền sư Hoàng Bá độ cho thần thức của mẹ được nhẹ nhàng siêu thoát, đó chính là một người con đại hiếu.

[1]: Chư Phật: các vị Phật (Người Giác Ngộ).

[2]: Ba hội: Là chỉ cho ba lần đại hội nói pháp của Phật Di-Lặc (Maitreya).

No comments:

Post a Comment