Friday, August 8, 2014

LIBERTARIANISM, LIBERTARIAN – CHỦ THUYẾT TỰ DO




Chủ thuyết “Libertarianism” tạm dịch là “Chủ nghĩa tự do”.

Vậy "Chủ nghĩa tự do" là gì? Và nó khác chủ nghĩa “Liberal”/“Liberalism” – cũng thường được dịch là tự do – như thế nào?

Hiểu ở cách đơn giản nhất, chủ nghĩa “Libertarianism” cho rằng mỗi cá nhân có quyền tự do và được phép làm bất cứ cái gì mà không có hại tới người khác. Vì coi trọng tự do cá nhân nên chủ nghĩa Libertarian không tín nhiệm sự can thiệp của nhà nước.

Nhà báo nổi tiếng Patrick Jake O'Rourke, một người ủng hộ chủ nghĩa tự do, từng nói:

- Trao tiền và quyền cho nhà nước cũng giống như đưa chai whiskey với chìa khóa xe cho mấy em trai tuổi thiếu niên, thanh niên.

Ý của O'Rourke phản ánh suy nghĩ của người Libertarian cho rằng chính quyền là một nhóm người không tin tưởng được. Càng trao quyền nhiều bao nhiêu, càng hại bấy nhiêu.

Ðể cổ vũ cho chủ thuyết của mình, lý thuyết gia Libertarian David Nolan có đặt ra một sơ đồ, mang tên “Sơ đồ Nolan”. Nolan sau này lập ra đảng Libertarian.

SƠ ĐỒ TỰ DO

Sơ đồ do Nolan vẽ ra có 2 chiều, một chiều về tự do cá nhân và một chiều về tự do kinh tế.

Ở góc dưới của sơ đồ này, Nolan đặt chủ nghĩa dân túy (Populism) hoặc chủ nghĩa toàn trị (Totalitarianism) khi chính quyền áp đặt mọi thứ.

Nếu đi theo mũi tên “Tự do kinh tế” nhưng vẫn không thêm tự do cá nhân, sẽ dẫn tới tư tưởng hữu khuynh của giới bảo thủ.

Nếu đi theo mũi tên “tự do cá nhân” nhưng không thêm tự do kinh tế, sẽ dẫn tới tư tưởng tả khuynh của giới cấp tiến. Ðây chính là những người “Liberal” và hay bị nhầm lẫn với “Libertarian” vì hai chữ nhìn giống nhau trong tiếng Anh.

Còn nếu có cả tự do kinh tế lẫn tự do cá nhân thì, theo Nolan, đó là tư tưởng “Libertarian”.

Vì kết hợp cả tự do của người bảo thủ và người cấp tiến nên người Libertarian cũng được xem như “bảo thủ về kinh tế và cấp tiến về xã hội”.

Người bảo thủ giúp người doanh gia được làm việc tự do, không bị nhà nước kềm chế.

Thí dụ, người bảo thủ không muốn nhà nước bắt buộc công nhân phải tham gia nghiệp đoàn. Họ muốn mỗi người được tự chọn lựa kế hoạch hưu trí cho mình, không muốn mọi người đều bị ép phải đóng tiền cho quỹ An sinh xã hội – Social Security Administrtation.

Người cấp tiến sẽ ủng hộ tự do trong các vấn đề xã hội, cá nhân.

Thí dụ như bãi bỏ chế độ quân dịch, ngăn chặn không cho chính quyền kiểm duyệt báo chí và chuyện tình yêu, tình dục giữa người trưởng thành với nhau thì không phải việc của nhà nước.

Người Libertarian ủng hộ cả hai khái niệm tự do.

Nhưng ngược lại đối với người Libertarian, người bảo thủ vẫn còn muốn chính quyền can thiệp vào chuyện cá nhân như cấm người đồng tính kết hôn, cấm sử dụng ma túy, kiểm duyệt chuyện sex trong phim, Internet.

Một điểm tiêu biểu của người bảo thủ ở Hiệp Chúng Quốc (U.S) là muốn chính quyền cấm đoán những điều mà Ky Tô Giáo - Christianity (Thiên Chúa Giáo La Mã hoặc Tin Lành) cho là tội lỗi.

Và người cấp tiến thì đòi giới hạn nhập cảng để bảo vệ kỹ nghệ, dùng tiền thuế để giúp người nghèo, đánh thuế người giàu. Ở Hiệp Chúng Quốc (U.S), người cấp tiến thường bị chỉ trích là xài tiền phung phí và những thí nghiệm xã hội.

Ðó là những điều người Libertarian không chấp nhận vì họ cho đó là xâm phạm tự do cá nhân. Một câu nói người Libertarian thường hay trích dẫn, là “khi chính quyền lấy giày đè vào cổ người dân, thì chuyện giày đó là giày phải hay giày trái không quan trọng”.

No comments:

Post a Comment