Friday, August 8, 2014

BI MẪN VS THAM ÁI

His Holiness the 14th Dalai Lama - Đức Dalai Lama 14 dạy:

Nền tảng để phát khởi tâm nguyện cầu giác ngộ vì con người là tâm bi mẫn, vốn có nhiều dạng khác nhau. [Khi bạn nghĩ rằng] Thật tốt đẹp biết bao nếu mọi con người đều thoát khỏi đau khổ thì đó là một dạng của tâm bi mẫn. Còn có những cấp độ khác của tâm bi mẫn, không chỉ bao gồm ý tưởng này mà còn có cả sự dũng cảm mạnh mẽ hơn. Tâm bi mẫn này tạo ra một quyết tâm đặc biệt tự mình gánh vác trách nhiệm trừ dứt mọi khổ đau cho con người. Ngay cả các bậc Thanh Văn và Độc Giác Phật cũng ước nguyện thiết tha rằng con người, chúng sinh được thoát ly khổ đau. Tương tự, đôi khi chính chúng ta cũng phát khởi tâm bi mẫn nghĩ rằng thật tốt đẹp biết bao nếu mọi người đều thoát khỏi đau khổ. Chẳng hạn như khi thấy cảnh khốn cùng hay điều kiện bơ vơ của một người hay một con vật nào đó, chúng ta khởi lên một cảm xúc bi mẫn, từ ái mạnh mẽ, ước mong rằng khổ đau của con người, con vật được dứt trừ.

Điều quan trọng cần lưu ý là, khi đối tượng của tâm bi mẫn, từ ái là một người mà chúng ta yêu thích thì sự thương cảm của chúng ta [có thể] dựa trên sự tham ái hơn là tâm bi mẫn. Ngược lại, nếu bạn khởi tâm bi mẫn khi thấy sự khổ đau của một người xa lạ vì nghèo khổ hay gặp cảnh khốn cùng hay gặp một con vật lang thang, đói khát mà bạn chẳng có sự quyến luyến gì, thì đó mới thuần túy là lòng bi mẫn.

No comments:

Post a Comment